abstract
| - Trời hôm nay xanh thật! Ông mặt trời vừa thức dậy đã phủ sáng cả một vùng nước xung quanh tôi khiến nó thật ấm áp. Như mọi khi, vào giờ này thì tôi là người duy nhất đang nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Tôi thích những lúc được ở một mình như thế, nó khiến tôi trở nên “đặc biệt” và hơn hết nó giúp tôi tạm thời không bận tâm đến ba sự rắc rối cứ quấn lấy mình suốt quỹ thời gian còn lại trong ngày. Tôi lật lại rồi nhanh chóng xoãi hai sải tay của mình vào những con sóng lùn nối nhau hết luồng này đến luồng khác. Ba điều rắc rối ấy âu cũng là do cái tính ưa cà rởn của tôi mà tự rước vào thân chứ đâu. Thứ nhất là… may phước ngay lúc đó cảnh biển lại cuỗm lấy tâm trí tôi. Ôi, thật khó để nói một cảnh biển lúc bình minh có những màu gì. Trước mắt tôi là vô số những gam màu vừa va đập, vừa hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh hỗn sắc tách bạch mà nhất quán. Kia rồi, con sóng lớn đầu tiên trong ngày đã xuất hiện! Ngay lập tức tôi với lấy chiếc ván lướt sóng nằm bên cạnh và cùng nhau lao lên mỏm sóng. Trong một vài phần chục của giây tôi tin rằng mình đã đứng thẳng người trên ván trước khi mất thăng bằng rồi ngã xuống nước cái “ùm”. Thế là lại thất bại. Một ngụm nước đầy muối mặn bị tống vào họng, thứ nước ấy khiến mắt tôi cay xè. Rắc rối thứ nhất : sáu tháng liền tôi chưa cưỡi được một con sóng nào. Tôi lên bờ và chạy về phía bãi đậu xe (thực ra là khoảnh đất hoang đầy cỏ dại mọc cao đến ngang thân một người lớn). Nấp trong lùm cỏ rậm rạp tôi thay bộ đồ bơi ướt sũng bằng đồng phục đi học sau khi dội vào mình vài gáo nước ngọt. Một vùng đất hoang vu như nơi đây quả là địa điểm lí tưởng cho những luồng gió mạnh rít qua bất chợt mà xua đi cái nóng khó chịu của mùa hè. Gần như chớp mắt mái tóc dài ngang vai của tôi được hong khô. Tôi nhìn xuống tấm áo thủy thủ trắng phau in những cái bóng cao lêu nghêu ốm nhách của mấy cọng cỏ, rồi phóng tầm mắt ra đằng xa kia. Tôi yêu biển. À, thực ra tôi chỉ yêu biển trong ba phần tư thời gian mà thôi, nếu giờ là mùa Đông thì họa có điên mới thay đồ ở cái chỗ khỉ ho cò gáy này. Một tiếng còi quen thuộc vang lên khi tôi đang thoa chút son dưỡng cho môi bớt khô. Tôi liền quắp lấy tấm ván cùng cái túi thể thao mà chạy về phía xe của chị hai. Hôm nay chị mặc bộ đồ thể dục đỏ sậm, vừa thấy tôi chị liền nhấc kính lên mà hỏi: “Kanae hôm nay sao rồi?” Chị hai thật là đẹp. Vẻ đẹp của chị đến từ làn tóc suôn dài tự nhiên cùng nét điềm tĩnh sắc sảo của một giáo viên trung học. Chị hai lớn hơn tôi tám tuổi. Ha, thú thật là hồi đó tôi khá là… bực mình với chị vì hầu như lúc nào tôi cũng bị mang ra để so sánh với một người chị quá-hoàn-hảo thế này. Nhưng dĩ nhiên lớn lên thì khác. Tôi bắt đầu mến chị nhiều hơn, nhất là khi chị dù đỗ cao trong kì thi đại học nhưng vẫn quyết định ở lại đây dạy học càng khiến tôi khâm phục chị hơn. Mỗi khi nhìn chị hai tôi lại ước rằng chị có thể bỏ quách mấy cái bộ đồ thể dục “bà già” đó đi mà diện lên ít nhất là một cái váy sẽ khiến chị thật tuyệt vời tới cỡ nào. Ôi mà tính chị hai khiêm nhường từ nhỏ, dám cá là chẳng qua chị không muốn mình nổi bật quá mức trên hòn đảo Kagoshima bé xíu này thôi! “Hôm nay cũng không được, gió cứ thổi ra biển hoài à!”. Tôi vừa nói nói vừa đẩy chiếc ván vào thùng xe hơi thô bạo một chút. “Đừng có lo. Kiên trì tập luyện thể nào cũng làm được một cú. Vậy sau giờ học có ra đây nữa không nè?” “Có chứ, lại phải phiền chị rồi.” “Không sao, nhưng không có được tập hăng quá mà lơ là việc học đâu đó.” “Vâng, vâng …”. Tôi cố tình nói với giọng châm chọc uể oải. Chị hai chở tôi tới bãi đỗ xe máy để tôi lấy xe của mình – một chiếc Honda Super Cub từng là sở hữu của chị hồi chị còn là giáo sinh thực tập. Hòn đảo nơi tôi sống không có thứ gọi là xe buýt và hầu hết học sinh đều có bằng lái ở tuổi mười sáu. Chạy xe máy không những tiện lợi mà còn thoải mái nữa, thật ra tôi ngờ rằng lý do duy nhất khiến chị hai phải đi làm bằng cái xe bốn bánh kềnh càng này là để chỗ cho tấm ván lướt sóng của tôi mà thôi. Cả tôi và chị đều sẽ đến trường. Tôi nhìn vào đồng hồ khi vừa tra chìa khóa vào xe. Bày giờ bốn mươi lăm. Tốt! Vẫn còn sớm, giờ này cậu ấy vẫn còn đang tập luyện. Tôi nhanh chóng lái chiếc Cub chạy theo chị và chào tạm biệt bãi biển đầy nắng bấy giờ đã ở sau lưng.
*
*
*
*
* Bước vào trung học cũng là lúc tôi được thấy tận mắt chị hai lướt sóng, và lập tức tôi đã mê mẩn trò chơi này. Dù bận bịu học đại học nhưng chị vẫn đã dành thời gian để hướng dẫn và giúp đỡ tôi. Hóa ra ban đầu cũng chưa cần đến tài năng thiên bẩm hay là khổ luyện gì cho lắm (bài tập được dành cho những người chỉ là phải liên tục lặn và quạt tay nằm-trên-ván từ sáng sớm đến xế chiều, ba tháng liền). Thực sự hồi đó tôi cũng hơi lưỡng lự khi thấy mấy anh chị ngoài kia sao mà bạo dạn, dám lướt băng băng trên đầu con sóng cao quá hai thân người. Nhưng chắc chắn rằng những tư thế, những đường nét cơ thể của họ khi được lao vút lên giữa không trung thì rất là tuyệt! Suy đi tính lại, thế là vào mùa hè năm hai tôi đã gật đầu cái rụp với người bán ván lướt sóng. Tôi được chọn giữa ván ngắn và ván dài. Với một đứa ưa mạo hiểm thì ván ngắn quả là sự lựa chọn số một – khó đứng hơn, nhưng dễ xoay trở hơn. May mắn đến một cách bất ngờ khi tôi thành công trong ngay những lần thử đầu. Để rồi, hừm, liên tiếp là những cú ngã giữa chừng. Trong khoảng thời gian sáu tháng đó không biết bao lần tôi nghĩ đến việc chuyển sang ván dài, nhưng cũng tự nhủ mình bỏ cuộc lúc này có sớm quá chăng? Cứ phải đèo theo cái tâm trạng nửa theo nửa bỏ cũng khiến tôi không nhận ra cả một năm đã trôi qua. Một mùa hè nữa lại đến…
*
*
*
*
* Xoạch! Bầy chim đang líu lo trên cây bị một phen xáo động khi một âm thanh đã tai phát ra. Một mũi tên bằng tre vừa xuyên qua tấm bia giấy. Tám giờ mười phút, tôi đang đứng trong cái bóng khổng lồ của ngôi trường mà ngoái trộm ra bãi đất trống. Hôm nay cũng vậy, chỉ có một người đang bắn cung ngoài kia. Sáng nào cậu ấy cũng tập sớm nhất, một mình giống như tôi ngoài biển vậy. Cậu ấy tập rất nghiêm túc, từ hành động rút mũi tên ra khỏi bao cho đến khi bắn cho nó cắm thẳng vào bia đều toát lên một luồng sinh khí mạnh mẽ. Mỗi mũi tên phóng ra như kéo đi một phần sự mệt mỏi và chán nản của tôi sau một sáng nỗ lực thất bại, giờ đây tôi sảng khoái đến lạ lùng. Nếu để cậu ấy phát hiện chắc là ngượng chín mặt đi ấy! Thế nên tôi chọn cách “quan sát từ xa” – một cụm từ dễ nghe hơn thay cho “nghía trộm” Nghía được một lúc tôi quay lại để chỉnh trang đầu tóc, vuốt tay áo và váy cho thẳng nếp một chút. Cuối cùng tôi hít một hơi thật dài và tự nhắc mình: Rồi bắt đầu bước chầm chậm vào bãi tập bắn cung. “Chào buổi sáng.” Mỗi khi thấy tôi cậu ấy đều hạ cung tên xuống mà chào tôi trước. Aaah! Thật là bảnh! Giọng của cậu ấy trầm ấm quá đi! Tim tôi chắc phải đang đập cả trăm nhịp một phút chứ chẳng chơi, nhưng tôi đủ khả năng để giả bộ bình tĩnh và nhìn cậu ấy theo kiểu vô-tình-ngang-qua-đây-thôi. Tôi để giành vài giây cho cái thanh quản kịp chuẩn bị trước khi thốt lên với âm điệu rành mạch quá mức : “Chào buổi sáng, Toono-kun![1]. Hôm nay lại đến sớm nữa à?” “Sumida cũng thế còn gì, vừa từ biển về đây phải không?” “Ừm.” “Lướt sóng vào sáng sớm thế này, Sumida thật chăm quá.” “Tớ… ơ…”, tự dưng cậu ấy lại khen mình. Ôi không! Chẳng tốt chút nào. Kiểu gì mình cũng lại đỏ mặt cho mà xem, tiêu rồi! “Khô… không hẳn đâu… Ehehe… gặp lại sau nhé Toono-kun!”. Tôi chạy cái vèo, vừa xấu hổ vì cái cười kì cục của mình vừa hạnh phúc. “Ừm, gặp lại sau,” tiếng cậu ấy gọi vói theo làm tim tôi mới vừa được trở lại tốc độ bình thường đã đập trật đi một nhịp. Rắc rối thứ hai, từ lâu tôi đã thích đơn phương Toono-kun. Tính ra trong suốt năm năm trung học tôi đã tiến được đến cái mức được gọi cậu ấy là “Takaki Toono-kun”. Chỉ mới gần đây nó nhanh chóng trở thành một rắc rối lớn, đó là khi tôi nhận ra còn chưa đầy sáu tháng nữa là cả hai sẽ tốt nghiệp. Và điều rắc rối sau cùng chính xác là tờ giấy nằm ngay trước mặt tôi đây. Tám giờ ba mươi lăm phút sáng, sắp sửa hết tiết và chúng tôi đang nghe những lời dặn cuối cùng từ thầy chủ nhiệm Matsuno: “Nghe này các em, đã đến lúc các em phải quyết định tương lai của mình rồi. Thầy khuyên các em phải bàn bạc thật kĩ với gia đình vì đây là vấn đề khá quan trọng!” Tờ giấy ở trước mặt in một hàng chữ hoa lớn : “BẢNG KHẢO SÁT ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP DÀNH CHO HỌC SINH NHÓM BA”, và tôi chỉ mới hoàn thành được gần nửa số câu hỏi trong đó. Mười hai giờ năm mươi, giờ nghỉ trưa. Vào thời gian này câu lạc bộ nhạc cổ điển sẽ hòa tấu một bản. Giai điệu hôm nay hơi quen, hình như đã nghe ở đâu rồi thì phải? Trong đầu tôi bỗng xuất hiện hình ảnh một con cánh cụt hoàng đế trượt băng nghệ thuật… hoài niệm kiểu quái gì thế này? Tôi đành từ bỏ nỗ lực vô ích nhằm nhớ lại cái tên bài nhạc mà tập trung vào món trứng rán. Mẹ thật là tài! Hương thơm và vị mằn mặn của trứng lan tỏa một mỗi thư thái dễ chịu ra khắp cơ thể đang cực kì uể oải vì đã phải ngồi một chỗ hơn ba tiếng đồng hồ của tôi. Khi tâm trí vừa kịp đáp xuống mặt đất tôi đã nhìn thấy hai nhỏ bạn. Yukko và Saki-chan đang ngồi đối diện mà bàn luận rất sôi nổi… “Nghe nói Sasaki-san thi vào Đại học Tokyo cơ đấy!” “Sasaki-san? Ý cậu là Kyoko à?” “Không không. Sasaki-san nhóm một cơ.” “À, bên CLB văn học chứ gì? Làm như bất ngờ lắm ấy!” Nghe đến “nhóm một” làm tôi hơi chột dạ. Toono-kun cũng ở nhóm đó. Mỗi năm trường tôi đều phân học sinh vào ba nhóm. Nhóm một và hai được học theo giáo trình thông thường, nhưng nhóm một bao gồm những học sinh có nguyện vọng vào Đại học. Tôi thuộc nhóm ba. Nhóm ba được dạy các môn chuyên về Kỹ thuật – Công nghệ và nhiều học sinh nhóm này khi ra trường sẽ đi làm luôn, hoặc tiếp tục theo học ở mấy trường dạy nghề, đa phần sẽ ở lại đảo. Tôi không có cơ hội trao đổi với Toono-kun về chuyện nghề nghiệp, vì hầu như chắc chắn cậu ấy có ý định vào Đại học. Cảm giác trong tôi luôn nói rằng cậu ấy muốn bỏ nơi này mà trở về Tokyo. Chẳng biết từ lúc nào món trứng tôi đang ăn tự dưng lạnh ngắc và nhạt nhẽo đáng ngạc nhiên. “Kanae thì sao?”, Yukko đột nhiên hỏi. “Có tính làm việc luôn không?”, đến lượt Saki-chan. Hai câu hỏi đến quá nhanh khiến tôi tôi chưa chuẩn bị tinh thần, đành im re. “Kiểu này là chưa thèm nghĩ ngợi gì rồi”. Saki-chan tỏ vẻ thất vọng. “Cậu toàn để đầu óc ở chỗ Toono-kun thôi!”, Yukko nói tiếp. “Nhưng nghe bảo người ta có bạn gái ở Tokyo rồi mà?”, Saki bồi thêm nào. “Không có đâu!” Tôi gắt lên và bắt gặp hai đứa bạn đang cười khúc khích. Mà thôi, lúc nào hai nhỏ đó chẳng đi guốc trong bụng mình chứ, đến là khổ! “Ôi, không thèm nói chuyện với mấy cậu nữa, đi mua Yoghurt đây!”. tôi đứng phắt dậy và đi ra ngoài. Một đứa con nít cũng biết tụi nó chỉ khoái giỡn, nhưng thực sự “Chuyện người bạn gái Tokyo bí ẩn của Takaki Toono” là một đề tài tôi không chịu nổi. ”Gì? Nữa á? Chai thứ hai rồi đó.” “Thì sao nào? Đây khát thì uống thôi.” “Thiếu nữ đang yêu của chúng ta đang dỗi kìa!” Tôi để mặc hai đứa bạn và bước thẳng ra ngoài hành lang. Vắng hoe, và lúc nào cũng có gió thổi nhè nhẹ. Tôi bước giọng theo hia bức tường dán ngay ngắn những tấm áp phích in hình những chiếc tên lửa phóng lên trời với cột khói trắng khổng lồ. “Phóng tên lửa H2 số 4 – Năm Bình Thành thứ chín (2001), ngày 17/8 lúc 10 giờ 53 phút”, “Phóng tên lửa H2 số 6 – Năm Bình Thành thứ chín (2001), ngày 28/11 lúc 6 giờ 27 phút”,… Hình như mỗi lần tên lửa phóng thành công là lại có người ở NASDA đến đây dán lên một tấm hình mới. Nhìn thấy tên lửa phóng ở đây chắc chắn không là chuyện hiếm. Chỉ cần chịu ngước cái đầu lên thì đứng ở đâu trên đảo cũng có thể thấy trọn cảnh một quả tên lửa lao vút lên không trung, kéo theo một cột khói dài ngoằng như sợi dây nối giữa trời và đất ít nhất một lần trong đời. Đã khá lâu rồi chưa có thêm một đợt phóng nào, Toono-kun lại mới ở đây có năm năm nên chẳng biết trước đó cậu ấy từng xem tên lửa phóng lần nào chưa? Mong rằng gần đây sẽ có một đợt, và nếu được ngắm chung với Toono-kun thì lãng mạn biết bao! Sáu tháng cho mọi nỗ lực xích lại gần cậu ấy và liệu thế có đủ? Ôi, trong sáu tháng tôi cũng muốn mình có thể lướt sóng được. Tôi muốn Toono-kun tận mắt chứng kiến mình bay trên những ngọn sóng cao quá đầu và đó phải là những cú đẹp hoàn hảo. Cậu ấy phải được xem những gì tuyệt vời nhất mà tôi nỗ lực để có được. Nhưng mà… chỉ sáu tháng… Không, thực ra vẫn có khả năng Toono-kun ở lại đảo. Hiển nhiên nếu kì tích đó xảy ra thì mọi áp lực thời gian tự đặt ra sẽ được tôi rất đỗi vui mừng đem đi bỏ xó. Nhưng như đã nói từ trước, tôi chưa bao giờ NGHĨ được về việc Toono-kun ở lại. Dường như cậu ấy thuộc tuýt người không bao giờ được yên, và muốn ở yên một chỗ. Hây dà… Vậy đấy, cả ba rắc rối lớn của tôi nói chung đều chỉ xoay quanh một con người. Dù có cố gắng cách mấy tôi cũng không thể tự ép đầu óc mình đừng nghĩ về Toono-kun. Và thế là một quyết định đã được đưa ra : tôi – Kanae Sumida này sẽ thổ lộ tình cảm với Takaki Toono vào cái ngày tôi có thể lướt sóng trờ lại.
*
*
*
*
* Bảy giờ mười. Tối. Lúc này có thể nghe rõ âm thanh râm ran của ve xen lẫn tiếng rít rít của mấy con dế nhảy nhót tới lui trên thảm cỏ. Đảo này nổi tiếng nhiều ve, một số loài khắp Nhật Bản chỉ nơi đây mới có. Ánh sáng cuối chiều đang nhuộm cho vài búi mây nhỏ lững lờ trôi về phương tây một sắc vàng kim đẹp huyền bí. Mới chỉ đây thôi gió đã bắt đầu mang theo hơi lạnh cùng chất vị mằn mặn thân thuộc của biển, dù vậy sóng cũng chẳng tốt hơn sáng nay chút nào. Một buổi tập nữa của tôi qua đi với khoảng tá lần “uống nước muối”… Cái ngày tôi có thể tự tin đứng vững trên ván vẫn còn xa quá! Lần thứ hai trong ngày tôi núp dưới cái bóng khổng lồ của ngôi trường, kì này là nhìn trộm vào bãi gửi xe. Như mọi hôm, vào giờ này chỉ còn le que vài ba chiếc và hầu như chẳng còn ai ra vào trường nữa. Mọi hoạt động CLB đều đã kết thúc… Ôi thôi thôi vòng vo nãy giờ! Nói trắng ra là tôi đang chờ Toono-kun vào lấy xe (lúc nào cũng rình mò người khác, đôi lúc tôi còn sợ chính mình ấy chứ). Chẳng biết cậu ấy còn ở lại hay đã về mất rồi. Dù sao tôi vẫn quyết tâm chờ thêm chút nữa vì tôi chẳng muốn khép lại một ngày chỉ toàn là thất bại. Nếu tôi chỉ phải lo lắng về ba sự rắc rối kia thì đời đã dễ thở biết là bao. Vẫn có những vấn đề “lớn nhì” mà một trong số đó là làn da sạm đen của tôi. Tôi không có gốc Phi Châu (đương nhiên!) nhưng hình như da tôi miễn dịch với mọi loại kem chống nắng nên suốt hơn mười năm học tôi luôn là người giữ vị trí “nữ hoàng da đen” số một trong lớp. Chị hai bảo là bình thường bởi vì tôi lướt sóng, nhưng da chị đâu có bị đen? Còn Yukko và Saki thì luôn miệng bảo màu da càng sậm càng tôn vẻ nhỏ-thó-dễ-thương của tôi, rồi lại phàn nàn rằng chẳng biết từ lúc nào tôi lại đâm ra ghét màu da của mình. Tụi nó không nhớ dùm cho một điều, rằng Toono-kun có làn da thật trắng, trắng tự nhiên và cậu ấy rất chi là bảnh trai! Những vấn đề hơi to tiếp theo bao gồm việc… ngực tôi khá là chậm phát triển (Bất công! Trong khi chị hai ngày càng “nở nang” thì tôi lại chẳng hơn được miếng nào). Tôi không có khiếu ăn mặc, học hành trên lớp cũng vớt vát mức trung bình khá. Đến giờ ưu điểm duy nhất có thể kể ra là tôi chẳng bao giờ biết bệnh là gì (có lẽ nhờ tập luyện thường xuyên), nhưng cũng vì thế mà tôi không có cơ hội “làm nũng” như mấy bạn nữ khác. Thế đấy, dường như có cả một núi rắc rối dành riêng cho tôi thì phải, ôi! Tôi nghía ra bãi xe lần nữa. Lấy rắc rối ra đếm quả là cách giết thời gian hiệu quả. Đã có một dáng người quá quen thuộc dần đến đây. Tốt quá, chẳng bõ công đợi nãy giờ, mình phục mình ghê chưa! Tôi nhanh chóng hít một hơi thật sâu rồi quay lại bước về bãi đậu xe cố làm ra vẻ thật tự nhiên… “Chào Sumida. Giờ mới về à?”. Ôi lại cái chất giọng nhẹ nhàng ấy! Dưới ánh đèn duy nhất của bãi xe tôi quan sát cậu ấy khá rõ ràng. Dáng người Toono-kun mảnh khảnh, mái tóc hơi dài che gần hết một bên mắt. Cậu ấy còn có dáng đi điềm tĩnh như một nghệ sĩ. “Ơ… Toono-kun cũng về nhà nhỉ?”. Tôi nghe giọng mình run bần bật. Ước gì mình có cách để nói chuyện mà không cần mở miệng! “Ừm, về chung với mình không?” Nếu có cái đuôi như một chú cún thì tôi thề rằng nó sẽ vẫy lên điên cuồng vì vui sướng mất! Ơn trời tôi không phải là cún và ngày hôm nay cũng không hỏng bét như tôi đã nghĩ. Xe chúng tôi chạy dọc theo con đường hơi rộng giữa hai đồng mía lớn. Tôi chạy phía sau, hai mắt dán chặt vào tấm lưng của Toono-kun mà nghĩ về vận may hiếm hoi dành cho mình. Một cảm giác nóng bức chợt xộc lên hai cánh mũi, làm chúng phập phồng phản đồi hệt như những lúc tôi bị ngã xuống nước vậy. Chưa bao giờ cảm giác buồn bã và hạnh phúc lại gần nhau đến thế!
*
*
*
*
* Ngay ở cái nhìn đầu tiên tôi đã biết Toono-kun khác biệt với những bạn nam khác. Người học sinh Tokyo đầu tiên chuyển đến vùng Tanegashima này vào mùa xuân năm thứ hai sơ trung của tôi. Tiết học đầu tiên mở màn với sự xuất hiện của một cậu nam sinh lạ hoắc trên bục giảng. Cậu đứng thẳng, không hề tỏ ra lo lắng hay sợ sệt gì cả. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ nét biểu cảm đầu tiên của Toono-kun là một nụ cười nhẹ, thoáng qua gương mặt hiền lành hơi chút trầm buồn: “Mình tên là Takaki Toono, gia đình mình chuyển từ Tokyo và đến đây ba ngày trước. Do công việc của ba nên mình đã quen với việc thay đổi chỗ ở nhưng quả thật mình vẫn chưa thích nghi lắm với cuộc sống nơi đây. Rất vui được làm quen với các bạn.” Không quá nhanh cũng không quá chậm, giọng nói của cậu ấy luôn mang phong thái rất ư điềm tĩnh, cùng với chất giọng ấm và trầm (mà tôi nghe bảo là đặc trưng của “người thành thị”) hợp lại chỉ có thể nói là hoàn hảo. Thử là tôi xem – tự dưng bị tống đi một nơi xa lạ nào đó và phải giới thiệu mình trước cả một tập thể lạ hoắc lạ hươ – kiểu gì tôi cũng đỏ mặt, khéo lại còn chạy trốn trước khi kịp nói một lời nào bằng chất giọng “quê rặt” của mình. Kì ghê! Hai đứa cùng tuổi, trong khi tôi thế này còn người ta lại chững chạc giao tiếp với người khác như một phát thanh viên chuyên nghiệp như thế. Cậu ấy đã từng sống thế nào? Tính cách ra sao? Bao nhiêu câu hỏi lần đầu tiên tôi đặt ra mà chỉ dành cho một người. Rồi ngày lại qua ngày, trước khi biết được câu trả lời tôi nhận ra mình đã mến thầm Toono-kun… Không hề quá lời, có thể nói Toono-kun có một tác động rất lớn đối với tôi. Dù ở đâu, trong lúc nào tôi cũng để tâm trí mình có một phần của cậu ấy. Tôi kiếm tìm cậu ấy trong cả những giấc mơ. Tôi luôn nghĩ về một Toono-kun bên ngoài trông có vẻ lạnh lùng nhưng thực chất rất hòa đồng với bạn bè. Điều kì lạ duy nhất ở Toono-kun là cậu ấy hình như chỉ thích ở một mình, nhưng thế lại càng hay. Điều đó đồng nghĩa với việc, chỉ cần bõ công cho một “chiến lược” tính toán thời gian phù hợp thì kiểu gì tôi cũng có vài phút trò chuyện với cậu ấy. Dĩ nhiên nếu tính những chữ như “ừm”,”à”,”ôi”,”chào” là trò chuyện! Tôi không học chung lớp với Takaki khi lên cao trung, mà thực ra việc được vào cùng trường với cậu ấy thôi đã là một phép màu. Tính ra đảo này cũng chẳng có mấy trường, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên và vui sướng nhất chính là Toono-kun chỉ đơn giản là chọn trường gần nhà cậu ấy thay vì một trường chuyên (thầy cô còn bảo là dư sức đỗ hạng ưu cơ đấy!). Tình cảm của tôi dành cho Toono-kun qua tháng năm chưa từng mờ phai, trái lại còn mạnh hơn khi tôi cảm thấy mình ngày càng hiểu thêm về cậu ấy. Tôi mong muốn trở nên “đặc biệt” với Toono-kun, nhưng phần nào trong tôi luôn biết để ôm trọn trái tim cậu ấy là một điều quá sức. Đối với Toono-kun tôi luôn có những xúc cảm hạnh phúc đan xen cùng với đau khổ, đôi khi là vô vọng!
*
*
*
*
* Bảy giờ ba mươi, chiều tối. Chúng tôi dừng lại bên một cửa hàng tiện lợi tên là “Ai shop”. Hầu như tuần nào Toono-kun cũng đến đây ít nhất một lần – thường là hai lần. Thế là tôi bắt đầu có thói quen ghé vào Ai shop trên đường về như cậu ấy. Nhìn bên ngoài Ai shop trông giống một hàng hoa hơn với một lô lốc những gói hạt giống với bao bì đủ màu sắc, và người bán hàng ở đây là một bác trông cũng khá lớn tuổi. Vào trong mới thấy rằng nó có đủ mọi thứ thuộc về một cửa hàng tiện lợi lí tưởng : bánh kẹo, nước ngọt và mấy dãy kệ toàn đĩa CD. Một trong vài cái tai nghe đang phát một bài J-Pop và đó là thứ âm thanh duy nhất tồn tại ở nơi này. Hai ngọn đèn neon gắn trên cái trần hơi thấp thắp sáng cho cả cửa hàng, đứng lẻ loi giữa khung cảnh trời chiều nhạt nhòa và hoang vắng quanh đây. Toono-kun luôn chỉ mua một hộp cà phê sữa bằng giấy. Và như mọi lần khác, tôi chẳng biết mua cái nào. Tôi muốn chọn thứ gì đó khiến mình “dễ thương” một tí và chắc chắn không thể là cà phê sữa vì sẽ làm cậu ấy chú ý (mặc dù tôi muốn Toono-kun để ý lắm chứ, hây!). Sữa tươi thì chán phèo, cái hộp nước trái cây vàng vàng đằng kia trông cũng hay nhưng tôi lại không ưa nổi cái ba cái vị in trên đó. Tôi cũng muốn thử cái gọi là “giấm đen[2] pha sữa” nhưng nghĩ lại thấy rờn rợn sao ấy… Thế là mỗi khi tôi dừng lại quá lâu để chọn đồ uống Toono-kun lại nhẹ nhàng nói “Sumida, tớ đợi cậu ở ngoài nhé” rồi đi ra quầy tính tiền. Không còn Toono-kun bên cạnh thì đứng đây cũng chẳng ích gì, nên tôi đành vơ đại một chai sữa Yogurt. Lại là Yogurt! Cứ ba bốn chai mỗi ngày như thế không khéo một phần hai mươi cơ thể mình làm bằng Yogurt mất thôi! Tôi nhanh chóng bước ra cửa và thấy Toono-kun đang ngồi trên yên xe. Cậu ấy đang nhắn tin thì phải! Ngoài đây khá tối so với trong cửa hàng. Gió mạnh đã thổi nốt mấy cụm mây nhỏ xíu màu hồng đỏ sót laị của buổi chiều đi mất, làm những hàng mía rung lên những tiếng xào xạc hòa với vô vàn âm thanh của ve, của dế núp trong thảm cỏ cao đến ngang thân. Ánh sáng phát ra từ cái màn hình LCD đang mấy máy vài con chữ khiến nửa mặt của Toono-kun hiện lên mập mờ và tôi thấy rõ chút gì đó đượm buồn trên gương mặt ấy…
*
*
*
*
* Tôi cố gắng nặn ra một nụ cười và đi về phía chiếc xe. Thấy tôi cậu ấy liền nhét chiếc điện thoại vào túi và nói: ”Ồ, Sumida mua gì thế?” “Tớ chẳng biết chọn cái nào nên lại dính với chai Yogurt này thôi. Chai thứ tư trong ngày rồi đấy!” “Dễ sợ. Nhắc mới nhớ ở trường cậu cũng toàn uống loại này. Sumida thích Yogurt lắm nhỉ?” Trong khi vừa uống vừa trò chuyện với Toono-kun, sự chú ý của tôi hướng về cái di động nằm sâu trong chiếc túi thể thao tôi đang đeo sau lưng. Biết bao lần tôi mong ước những tin nhắn Toono-kun thường soạn mỗi lúc rảnh rỗi sẽ được gửi đến cái máy đó. Hiển nhiên điều đó chưa từng xảy ra, và vì thế tôi cũng chẳng kiếm được lí do để nhắn tin cho cậu ấy. Tóm lại mấy chiếc điện thoại không giúp ích được gì nên tôi đành thôi nghĩ ngợi về nó để tập trung trò chuyện với cậu ấy. Vì sao đầu tiên đã xuất hiện trên nền trời giờ đây đã ngả màu xanh sậm. Vậy là một cơ hội nữa trôi qua mà chẳng tiến triển được gì. Thất bại của ngày hôm nay khiến tôi muốn khóc, nhưng lại củng cố mình phải biết quyết tâm nhiều hơn nữa.
|