abstract
| - CHƯƠNG 2 Đó là một truyền thống của trường sơ trung Kaburaya. Hằng năm, các lớp có học sinh chuẩn bị tốt nghiệp sẽ cùng nhau làm một tác phẩm “kỉ niệm tốt nghiệp”. Vì tất cả các “thế hệ” đều muốn lưu giữ cái riêng, nên một số lượng không nhỏ các ý tưởng đã vô tình bị lặp lại trong vòng mười năm nay. Những tiền bối đã tốt nghiệp năm ngoái đã để lại tác phẩm “Trồng cây” của mình: một cái hạt được giao cho khoảng hai trăm học sinh sắp tốt nghiệp năm ấy, truyền từ tay người này sang tay người nọ cho đến người cuối cùng, người đó sẽ gieo nó xuống đất. Vâng, cả một khóa sắp tốt nghiệp nghĩ ra được cái “tác phẩm” như vậy… đúng là tôi phải “phục” sát đất. Tôi không biết mọi người đã đi đến quyết định làm cái đó như thế nào. Có lẽ ít nhiều cũng dính dáng đến nhà trường bởi dự án hiển nhiên sẽ cần tiền. Rút kinh nghiệm từ những gì xảy ra năm trước, vài người có quyền hành trong chúng tôi đã nhất trí làm ra một cái “kỉ niệm tốt nghiệp” đàng hoàng hơn một chút. “Quyết định cuối cùng của tụi này là một cái gương thiệt bự. Các bạn thấy sao?” Khi lớp trưởng lớp tôi, Sajima-san, thông báo điều này, một tràng phẫn nộ ồ ạt vang lên từ đầu tới cuối phòng học. Chẳng ai nghĩ đến việc làm một tấm gương cả, chưa nói đến việc kiềm được bao nhiêu người trong trường biết một cái gương được làm như thế nào. Gương mặt của Sajima-san rất dễ ửng đỏ lên. Vào lúc đó chắc hẳn cậu ấy đang xấu hổ mà vội đính chính: “Ý tớ là, làm một cái khung cho tấm gương cơ!” Rồi chúng tôi cũng mường tượng được khi nghe vậy. Chúng tôi sẽ tạo ra và trang trí một cái khung gỗ cho một tấm gương cao hai mét. Mỗi lớp sẽ đảm nhận một phần gỗ để điêu khắc. Khi hoàn thành, tấm gương và cái khung được trang trí của nó sẽ được để lại ngôi trường sơ trung Kaburaya, để mãi mãi soi đường dẫn lối cho đàn em mai sau. Nếu bạn có muốn hỏi rằng cái ý tưởng này tốt hay tệ ấy, thì tôi sẽ không ngần ngại chọn cái thứ hai. Một tấm gương thì vẫn tốt hơn một cái hạt, nhưng thành thật mà nói thì nó quá vô dụng, ngoại trừ việc sau vài năm nữa sẽ “may mắn” trở thành đề tài cho ít nhất một câu chuyện kinh dị của trường. Với quyết định ấy, bước đầu tiên là chọn ra người thiết kế mẫu trang trí. “Takasu-san bên lớp 2 sẽ nhận phần thiết kế.” Tôi hiểu ngay lập tức. Ami Takasu đã từng dành giải Bạc trong một cuộc thi thiết kế cấp thành phố. Cậu ấy cũng tự thiết kế linh vật cho những hội thao của trường. Không nghi ngờ gì cậu ấy là người có khả năng vẽ tốt nhất trong tất cả chúng tôi. Thiết kế của Takasu-san được chia thành mười phần phân đều cho năm lớp. Mỗi lớp sau đó sẽ tự chia nhau ra để điêu khắc những phần của mình. Một khi tất cả các phần được ghép lại thì cái khung sẽ hoàn thành. Trông thì có vẻ chẳng mất thời gian và công sức cho lắm. Phải vậy thôi, vì vào thời gian đó chúng tôi còn phải chuẩn bị cho kì thi vào trường cao trung. Đến cuối tháng mười hai là phải đầy đủ khiên giáp – hẳn ai trong chúng tôi cũng nghĩ vậy. Nếu thiết kế quá phức tạp thì sẽ chẳng ai dám làm. Kết quả là không ai phản đối, và nhờ thế chúng tôi bắt đầu xắn tay áo cho dự án tốt nghiệp của mình. Thiết kế của Takasu-san mang một dáng vẻ rất chính thống – những dải nho leo quấn quanh phần giữa của khung trong khi thân và lá sẽ phủ hết tất cả, và những trái cây mọc ra thành chùm từ những đoạn cong của thân tạo ra một hình tượng đầy xum xuê. Một số đoạn sẽ được trang trí với bọ rùa và bươm bướm, cùng với vài chú chim lượn vòng quanh nhau. Thật ra tôi có thể nói vậy là vì đã chứng kiến tấm gương khi nó được hoàn thành. Ban đầu tất cả những gì chúng tôi nhận được chỉ là mấy tấm gỗ hình vuông cạnh mười xen-ti-mét và tấm hình vẽ mẫu cho riêng phần mình đảm nhận. Nhiệm vụ của nhóm tôi lọa lạc ở phía trái khung gương. Sajima-san đã bảo rằng phần trên và dưới được thiết kế rất nhiều chi tiết trang trí, trong khi hai bên thì ít hơn. Vì vậy chúng tôi đã thảo luận và quyết định nhóm nào sẽ chỉ làm đúng một miếng gỗ ở phần trên hoặc phần dưới, và nhóm nào sẽ làm hai miếng gỗ ở mỗi bên. Trong hai phần được giao được giao cho chúng tôi, một chứa những họa tiết dây leo chằng chịt và vài chiếc lá. Nó được xem là phần dễ hơn trong khi phần còn lại có cả một chú chim đậu hờ trên một chùm nho mọc ra từ một đoạn dây leo. Tụi con trai trong nhóm rầu rĩ: “Tại sao tụi này phải làm con chim chứ?” “Trong khi mấy nhóm khác chỉ phải khắc dây leo thôi, công bằng quá ha.” Dù bực bội nhưng tôi cũng khó mà trách được. Nhóm chúng tôi đã được giao phần việc thử thách nhất so với các nhóm kia. Trên phương diện “công bằng” thì đúng là có lý do để tức tối… Nhưng mà, “Ngay từ đầu có ai nói là sẽ công bằng đâu, đúng không?” Một lời đáp trả hoàn toàn hợp lý, thường thì tôi phải là người làm như vậy. Nghe thế tụi con trai liền trật tự. Khi nhận ra mình không phải tự làm hết những thứ này chúng chắc hẳn đã mừng thầm trong bụng. Thiết kế phức tạp, thời gian giới hạn và cả một kì thi đang chờ đợi – xét trên những yếu tố ấy, thì việc để tụi con trai chưa có chút kinh nghiệm gì về điêu khắc làm việc này quả là một rủi ro quá lớn. Fuku-chan đã từng nói rằng điều tôi quý trọng nhất là “Công bằng”. Vì không muốn chủ đề của cuộc bàn luận hướng về bản thân nên hồi đó tôi đã phớt lờ những từ ngữ ấy. Tuy nhiên, giờ nghĩ lại thì tôi đã nhận ra. Rõ như trăng rằm rằng Fuku-chan thực sự rất hiểu tôi… Nhưng ở thời điểm phải nhận một phần việc không công bằng từ cái “kỉ niệm tốt nghiệp”, tôi đã không thể làm gì hơn ngoài việc chấp nhận. Cũng may, tôi có thể được xem là có chút tài về điêu khắc cộng với việc Mishima, một cô bạn là thành viên CLB Nghệ Thuật cũng ở trong nhóm. Chuyên môn của cậu ấy là chạm khắc, nhưng vẫn đủ vượt trội so với tôi về khoản điêu khắc[1]. Hai miếng gỗ vuông chả là gì đối với hai chúng tôi cả - dù, phải thừa nhận rằng việc học của chúng tôi có bị xao nhãng trong quá trình làm việc. Trước đó Mishima và tôi chưa bao giờ trò chuyện. Có thể là không đúng, nhưng tôi luôn thấy Mishima là một người luôn cảnh giác mọi thứ và xa rời mọi người. Tuy nhiên, trong mười ngày làm chung để hoàn thành dự án tôi đã nhận ra mình và cậu ấy từng bước sẻ chia những bí mật của mình cho nhau. Biết ước mơ thành họa sĩ manga của tôi, cậu ấy không hề chọc và cũng chẳng nói ngay rằng tôi có thể làm được. Mỉm cười, cậu nói chỉ nhỏ nhẹ: “Sẽ khó đấy.” Mishima đã hoàn thành xong việc điêu khắc chú chim. Khi ấy chưa biết là loài chim gì nên tôi bèn hỏi: “Là chim nhạn à?” “Tớ nghĩ vậy.” “Được rồi, vậy đó là chim nhạn.” Sau ba lời nói chúng tôi đã xem nó là một con nhạn. Còn bây giờ, tôi nghĩ nó phải là một con chim ruồi thì hơn. Ít nhất là với tôi, góp một phần vào tác phẩm tốt nghiệp năm ấy là một kỉ niệm đẹp. Có một vấn đề nhỏ tới mức chẳng đáng để nhớ. Khi quá trình điêu khắc của chúng tôi đến những công đoạn cuối, một tên trong tụi con trai chưa bao giờ giúp tới nửa tay tự dung phàn nàn: “Đấy, rốt cuộc cũng là những đứa giỏi thì làm hết. Dù có là kỉ niệm của cả khối thì ngay từ đầu cũng đừng thúc ép người không biết gì phải làm chứ?” Tôi nhớ như in những lời này. Thế thì sao không nói ngay từ đầu, rồi chờ đến lúc mọi chuyện săp xong mới dở chứng? Có rất nhiều thứ muốn phản pháo lại. Rốt cuộc, tôi đã chọn cách ít nữ tính nhất có thể… “Bị ngu hả?” Có lẽ tôi đã nói vậy đấy. Và thế là chúng tôi cũng hoàn thành hai miếng gỗ mà không một sai sót. Phần của tôi không được chau chuốt như của Mishima nhưng chắc chắn là trung thành với thiết kế nguyên bản. Tôi rất thỏa mãn về nó. Các nhóm khác cũng lần lượt hoàn thành công việc của mình. Những dải nho leo uốn lượn cong vồng, những cái lá lo bè che phủ hơn nửa bề mặt, từng miếng từng miếng một dần dần tụ về một chỗ. Cuối cùng, ngày hái quả từ những công sức của chúng tôi đã đến… Và sự việc cũng xảy ra vào chính cái ngày này. Cái nhóm liên tục xin gia hạn thời gian hoàn thành của mình đã đưa ra một thứ làm cho mọi người sửng sốt. Nhóm đó chịu trách nhiệm với miếng gỗ nằm ở phần dưới khung. Trong thiết kế của Takasu-san, những nhánh nho leo lẽ ra phải được khắc cho thõng xuống và có hơi cong lên một chút. Một nhánh cây vững chắc lẽ ra phải được bắc ngang qua chỗ những đoạn leo bắt đầu chõng xuống. Dù không dễ để làm cho dây leo chõng xuống một cách tự nhiên, nhưng so với “con nhạn” của chúng tôi thì vẫn còn dễ hơn nhiều. Là thế, nhưng trên tấm gỗ họ đưa ra chỉ có đúng một nhánh leo ngang đuột như cây bút chì.. Không, chẳng thể coi đó là dây leo nổi. Một “cái gậy” hết sức cẩu thả và xấu xí được đẽo ra vắt ngang ngay ở giữa miếng gỗ. Chẳng có theo một khuôn khổ nào và chắc chắn là kết quả của sự lười biếng. Theo như tôi nhớ, thì khi lớp trưởng Sajima-san nhận lấy miếng gỗ mặt của cậu ta nhanh chóng đỏ au mà gầm lên giận dữ: “CÁI QUÁI NÀY LÀ SAO? SAO KHÔNG NÓI CHO TÔI BIẾT LÀ CẬU KHÔNG LÀM ĐƯỢC? THẰNG MÙ CÒN THẤY LÀ NÓ KHÁC VỚI THIẾT KẾ!” Phía bên kia, cậu con trai vừa giao ra miếng gỗ không có chút cảm xúc. “Vì khắc nó lên rồi xuống phiền phức lắm,” cậu ta đã nói như vậy. Đó chính là phần của Oreki. Không còn thời gian để chữa lại chỗ đó. Cái khung phải được lắp lại hoàn tất trước khi gương được chuyển đến. Vô vọng rồi. “Tác phẩm” của Oreki cũng phải được lắp vào. Tôi cũng góp một tay trong việc lắp các miếng gỗ lại vào nhau. Việc này được thực hiện trong nhà thể thao. Chúng tôi trải giấy báo lên sàn trước rồi mới đặt lên những miếng gỗ từ các lớp. Trên mỗi miếng gỗ đều có đánh số nên chỉ việc theo thứ tự định trước mà lắp chúng vào. Sau khi mọi miếng đã được ghép vào nhau một cách hoàn hảo thì công đoạn tiếp theo là dán lại bằng keo dán gỗ. Cái mùi nặng khiến nó khá nguy hiểm với học sinh nên việc này được giao cho giáo viên. Đeo bao tay và dùng bàn chải, thầy bắt đầu dán từng miếng gỗ chặt vào nhau. Những học sinh đã giúp xếp những miếng gỗ đứng qua một bên mà yên lặng xem thầy làm. Vào mùa đông thì ngày rất ngắn. Tôi nhớ là vào lúc ấy trời đã chuyển màu đen kịt. Hình như là có tuyết nữa. Thế rồi công đoạn dán cũng hoàn tất. Thầy chậm rãi ưỡn thẳng lưng mà nói: “Rồi, xong rồi đó.” Vì không được đùa giỡn trong khi keo vẫn chưa khô, chúng tôi chỉ đứng tại chỗ mà dán mắt vào cái khung gương đang nằm trên mặt báo. Giờ tự dưng tôi lại thấy thực sự cái việc ghép khung lại không cần nhiều người đến thế. Nhưng, tôi biết rằng tất cả những học sinh đã ở trong nhà thể thao chiều hôm ấy đã cảm thấy một nỗi hân hoan không thể nói thành lời. Tôi nghe vài cậu con trai đứng cạnh bàn luận: “Không tệ chút nào.” “Đồng ý.” Thực tình, với một thứ được làm bởi một mớ học sinh sơ trung thì cái khung này phải nói là khá đẹp. Hai phần mà tôi và Mishima đảm nhận nổi bật hẳn trên thành phẩm. Chẳng quan tâm những lời khen ấy có phải giành cho mình hay không, tự tôi đã hoàn toàn hài lòng với thể hiện của mình. Tuy nhiên, vẫn có những phần không được làm tốt lắm bị lẫn vào – vài nhánh leo lợt lạt vì bị khắc quá mỏng, vài chỗ thì lá không gắn vào được với thân nên trông nó như thể đang lơ lửng. Nhưng mà có tệ đến thế nào đi nữa thì chắc chắn là vẫn còn đẹp hơn “cây gậy” của Oreki. Thôi thì tôi cũng cảm thấy thoải mái một tí. Với một người xét nét tới từng điểm nối nhau của các nhánh leo thì chắc chắn sẽ sỉ nhục cái nhánh thẳng đuột của Oreki, nhưng cái phần nhỏ xíu ấy không đáng trở thành một lỗi lớn khi nhìn tổng thể cái khung. Hên là miếng của Oreki tọa lạc ở phần dưới, nơi các nhánh leo đều theo một hướng đi ngang nên càng dễ bị bỏ qua. Tới giờ cũng chưa có ai nhìn vào mà nói rằng: “Chỉ có lớp 5 là lười biếng.” Sẽ tốn từ hai đến ba ngày để keo khô hoàn toàn, có nghĩa là chúng tôi đã làm hết phần việc có thể làm vào ngày hôm đó. Khi chúng tôi vừa dọn xong mớ giấy báo và chuẩn bị đi về thì Takasu-san bước vào. Dù biết về sự nổi tiếng của Takasu-san, nhưng vì chưa từng học cùng lớp nên tôi không biết mặt cậu ta. Trong tưởng tượng của mình Takasu-san có một thân hình mảnh mai của một nghệ sĩ, thế nên tôi đã không ngờ rằng cậu ta lại có một gương mặt sắc mà cứng rắn đến thế. Tôi chỉ nhận ra khi nghe thấy một người gần đó thì thầm: “Ồ, Takasu-san kìa.” Cậu ấy không đến một mình, mà được hộ tống bởi ba bạn nữ khác có vẻ là bạn thân. Quát vào một trong những học sinh đang đứng, cậu ta hỏi: “Thế nào? Xong chưa?” Giọng của cậu ta suồng sã một cách khó tin. Tôi không thể không cảm thấy một cơn sóng khó chịu ập vào mình, cũng chẳng thể thấy được mối liên hệ giữa những nhánh leo đầy chau chuốt hút hồn người xem với cái giọng cười ấy. Cứ như phải là từ hai người không quen không biết nhau vậy. Bốn người họ vừa nói vừa cười sang sảng khi tiến lại cái khung gương. Tôi đã nghĩ là thành phẩm này sẽ đủ làm cho Takasu-san hạnh phúc. Dù là có vài chỗ không được như ý, nhưng ngay đầu chẳng ai nên hy vọng một sản phẩm chắp vá từ cả trăm học sinh là hoàn hảo. Và dù chúng tôi không thể sao chép y chang bản thiết kế nhưng đây là một tác phẫm phù hợp với khả năng của mọi người. Ngoại trừ bọn họ thì tất cả học khác đều im bặt. Thế nhưng, khoảnh khắc Takasu-san nhìn vào các họa tiết trên khung, nụ cười của cậu ta lập tức đông cứng. “Ơ…” Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống khi tôi nhận ra sự thay đổi biểu cảm đột ngột ấy. Trông gương mặt tối sầm tôi đã hiểu được thế nào là “mất hết tinh thần”. Rất nhanh chóng, cậu ta quay lại. Takasu-san giơ tay chỉ vào một chỗ trên tấm khung mà nói: “Cái… cái gì ở kia?!” Chỗ cậu ta chỉ vào không đâu khác chính là tác phẩm trừu tượng của Oreki. Tiếng gào thét của Takasu-san liền vang dội khắp nhà thể thao. “THẾ NÀY LÀ THẾ NÀO? SAO LẠI THÀNH RA NHƯ VẦY? QUÁ ĐÁNG MÀ! ĐỪNG - CÓ - GIỠN - VỚI - TÔI! THẬT LÀ QUÁ LẮM MÀ!” Thấy thần tượng suy sụp trước mắt, ba đứa con gái hộ tống ngay lập tức lại gần để dỗ dành. Họ liên tục nói những câu như “Sao vậy?” và “Bình tĩnh nào”. Nhưng rồi cuối cùng Takasu-san cũng khóc. Cậu ta lấy tay che mặt nhưng cũng ngay lập tức tuôn một tràng thổn thức. Tức tối tột cùng, ba đứa con gái quay lại mà quát vào những học sinh đang đứng im lặng. “Vậy là có ý gì hả? Ai làm ra cái này?” “Đây là kỉ niệm cuối cùng của cậu ấy với trường! Các người tốt nhất là nên làm cho coi được đó!” “Xin lỗi! Xin lỗi Ami mau!” Nói thế thì cũng có khiến cái người đã làm ra phần đó xuất hiện được đâu? Chẳng ai ở đây có thể giải quyết cho họ cả, và Takasu-san thì vẫn tiếp tục màn sướt mướt của mình. Cậu ta còn chưa chịu dừng mặc cho thầy ra sức dỗ. Chịu thua, thầy đành hướng về chúng tôi mà hỏi: “Lớp nào chịu trách nhiệm cho phần này vậy?” Ngoại trừ Takasu-san, mọi người đều trao đổi với nhau những ánh mắt lo lắng. Trong những trường hợp thế này thì tốt nhất là tôi nên dung cảm một chút. Giờ nghĩ lại, thì hình như chưa để thầy chờ tới mười giây tôi đã đáp. “Lớp 5[2].” Ngay sau đó là ba cái nhìn trừng trừng đầy giận dữ. Ba nữ hộ vệ của Takasu-san bắt đầu phun ra những lời đe dọa như “Tao sẽ đánh mày chết” hay “Sao mày không đi chết đi?” Màn chửi rủa chỉ được trấn áp khi thầy lên tiếng bảo vệ cho tôi. “Ibara không làm miếng gỗ này.” Trong dự án kỉ niệm tốt nghiệp, sự thiếu trách nhiệm của lớp 5 đã làm cho nhà thiết kế, Ami Takasu, khóc nức nở. Cái tít này đã được lan truyền khắp khối chỉ ngay trong ngày hôm sau. Lớp 5 cũng buộc phải đưa ra tên của cậu ấy, và từ đó người ta biết đến Oreki với tư cách là “kẻ phá hoại”. Nhiều học sinh trong lớp đã liên tục chỉ trích Oreki. “Cậu phải chịu trách nhiệm chứ?” “Đi xin lỗi ngay và luôn!” “Nhờ ơn chú mà lớp 5 đã có vết nhơ cuối cấp nhé, cám ơn!” Tên đó phớt lờ sạch sẽ mọi lời nói của họ. Không ai bảo vệ cho Oreki cả. Trong những tiết nghỉ trưa Oreki rất hiếm khi trong lớp. Là một thủ thư nên tôi biết trong thời gian này cậu ta đến thư viện, không phải để mượn sách mà để đọc cuốn sách của chính mình – luôn luôn là như vậy. Theo góc nhìn của tôi thì sự việc xảy ra không thể trách một mình Oreki được. Không một ai phải tự mình làm một miếng gỗ cả, đó phải là nhiệm vụ của cả nhóm. Mỗi nhóm trong lớp 5 có sáu thành viên, tức là ngoài Oreki thì phải còn năm người nữa đáng phải chịu một phần trách nhiệm cho miếng gỗ. Rõ rành rành ra thế, vậy mà Oreki lại trở thành cái bia chịu tất. Không công bằng chút nào. Thật lòng mà nói, bất cứ lúc nào thấy Oreki bị mắng bởi chính người cùng nhóm cậu ta tôi lại thấy phát bệnh. Tuy nhiên, tôi cũng không xem Oreki là một nạn nhân vô tội. Chắc chắn đó là làm sai. Thậm chí tôi còn chưa bao giờ trao đổi ánh nhìn khi cậu ta ngồi một mình trong thư viện nữa. Chuỗi ngày Oreki chịu đựng cái tội mà mọi người đổ cho mình không kéo dài lâu. Sau sự việc ấy, trường Sơ trung Kaburaya bước vào kì nghỉ đông. Và sau kì nghỉ chúng tôi bắt đầu học kì thứ ba của mình, và sau nữa, chẳng còn ai bỏ sức mà ca thán về cái khung gương hết, đơn giản bởi vì… … Kì thi đầu vào Cao trung đã ở ngay trước mặt. Vào tối cái ngày vô tình chạm mặt Ikehira, tôi ngồi trước bàn học trong phòng mà nghĩ về những chuyện đã qua trong yên lặng. Từ ngày bước vào Cao trung, gia nhập CLB Cổ Điển và có những cuộc đối thoại đầu tiên với Oreki, tôi vẫn để treo mọi thứ liên quan đến cái dự án tốt nghiệp năm ấy… Dù chưa từng một lần nghĩ cậu ta là người duy nhất sai nhưng, khi ấy, tôi đã tin rằng Oreki không thích làm việc mà cậu ta cho là “phiền phức” nên đã cẩu thả ra một miếng gỗ như thế. Điều đó nói lên rằng cậu ta là một người thiếu trách nhiệm. Nhưng sau chuyện đó, quá nhiều thứ không ngờ đến đã xảy ra. Lý do duy nhất tôi gia nhập CLB Cổ điển là muốn được ở gần Fuku-chan hơn. Tôi đã chẳng mảy may quan tâm tới Oreki. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cậu ta bỏ công giải quyết hết việc này tới việc kia tôi bắt đầu ngờ rằng mình chưa hiểu cậu ta nhiều như đã nghĩ. Hay, đúng hơn là từ đầu tôi đã chẳng bao giờ cố để mà hiểu. Cậu ta đã hợp tác với chúng tôi để tìm ra đáp án cho nỗi ưu tư của Chi-chan. Và rồi, cậu ta lại tự mình vượt qua những tình huống phức tạp để giúp các anh chị ở một lớp trên. Họ vốn chẳng quan hệ gì với chúng tôi, nhưng cậu ta đã giúp họ hoàn thành bộ phim còn dang dở của mình. Một lô lốc những sự kiện như thế cứ thi nhau mà diễn ra. Tôi đã hoàn toàn bị choáng ngợp trước sự tham gia và hoàn thành xuất sắc những vấn đề của Oreki. Làm sao mà một gã u ám như vậy lại trở nên năng động như thế? Câu hỏi đó luôn túc trực trong đầu tôi. Nhưng mà, điều dường như là kì lạ nhất với tôi đã xảy ra là một thứ khác. “…mình nhớ là đâu đó ở đây mà…” Tôi lẩm bẩm khi đang mần mò trên kệ sách. Giữ cho nó gọn gàng là thành quả của sự chăm sóc cẩn thận của tôi dành cho những quyển sách. Chỉ mất một thoáng để tôi tìm ra cái mình cần. Đó là tên một cuốn tập san văn học kì lạ vì chẳng tập trung viết về một chủ đề nào. Cũng nói luôn là năm ngoái, khi phải làm hầu như mọi công đoạn biên tập tôi đã mắc một sai lầm đáng trách trong việc in ấn. Sau sự cố đó tôi đã nhét nó sâu vào trong giá sách mà chưa hề dòm qua lần thứ hai cho đến hôm nay. Không cần phải lật ra, tôi vẫn còn nhớ phần lớn nội dung của nó. Và điều đặc biệt kì lạ ở đây là sự tỉ mỉ của Oreki trong bài viết của mình. Một sự kiện thú vị xảy ra thường rất nhanh chóng triệu hồi được năng lượng và niềm hứng khởi. Một ví dụ dễ chỉ ra là trong một đại hội thể thao hoặc là đám cưới của họ hàng thân thích, cả hai đều là những sự kiện đặc biệt vui. Hay nếu có ai la lên “Chúa ơi, có người chết trong căn phòng kín!” thì người ta sẽ lập tức tới hiện trường với quả tim đập nhanh trong hồi hộp. Đó chỉ là những phản ứng tự nhiên mà thôi. So sánh với điều đó thì việc viết văn là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Trong hầu hết các trường hợp khó có thể miêu tả công việc này đầy “hứng khởi” được. Lấy Fuku-chan làm ví dụ vậy, cậu ấy đã phải tiêu tốn khá nhiều công sức để có thể hoàn thành phần viết của mình cho “Kem đá”. Và bởi vì mến cậu ấy, nên tôi mới phải bắt cậu ấy ngồi trong phòng và mắng… “Tớ đã nói rồi, Fuku-chan à. Nói ngay từ đầu rồi. Cậu có nghe không vậy? Chẳng phải tớ đã bảo cậu rằng chỉ nghĩ mình sẽ viết về ‘một cái gì hay hay’ thì chẳng làm nên cái gì rồi sao? Vấn đề là ở ý tưởng. Dĩ nhiên viết cho hay là điều quan trọng nhưng đó không làm nên một bài văn. Nghe nè, cái mớ cậu viết ra chưa có cái nào hoàn thành cả. Dù nó có hay hoặc là không quan trọng thì cậu vẫn phải viết đến hết. Chỉ vì cậu chẳng chịu nghe nên bây giờ tụi mình mới phải gấp rút như thế đó! Cậu nên hiểu những gì mình đã làm. Có hiểu chưa vậy? Thông minh thì giờ phải hiểu rồi đúng không? Rồi, để tớ giúp cậu về ý tưởng. NGỒI – XUỐNG – ĐÂY!” Thế đấy. Tôi sẽ không bảo Fuku-chan là vô vọng, phải nên xem cậu ấy là một trường hợp bình thường. So với ‘Kem đá’ thì việc xuất bản của bên CLB Manga còn… không, tôi không nên nghĩ nhiều về việc đó nữa. Trở lại chủ đề, Oreki đã có một vẻ mặt thiếu kiên nhẫn khi nói “Đây”, rồi đưa xấp bài viết của mình trong “Kem đá” cho tôi. Khi đó tôi vẫn còn đang thương lượng với nhà in và chưa đưa ra hạn cho việc nộp bản thảo. Không bộc lộ chút cảm xúc gì, nhưng thật tâm tôi đã cực kì bất ngờ. Cái châm ngôn mà cậu ta hay nói mỗi khi muốn tỏ ra mình bảnh – Việc phải làm thì phải làm gọn… phải không nhỉ? Tôi đã luôn xem đó là sự chống chế của một tên lười cho đến khi thật sự hiểu sự trung thành của cậu ta với phương châm của mình. Oreki sẽ không tránh né những việc phải làm. Có lẽ. Nhìn lại khoảng thời gian trải qua cùng CLB Cổ Điển, cũng là năm bắt đầu chú ý đến Oreki, tôi bắt đầu nghĩ về sự việc đó một lần nữa. Tác phẩm tốt nghiệp chiếm một vị trí quan trọng trong toàn thể học sinh năm ba. Oreki chẳng lẽ lại là người lười biếng trong cả sự kiện đặc biệt ấy? Cậu ta hồi đó thảm hại như vậy sao? Nằm trên giường, tôi trở mình… “Có gì bất thường rồi.” Tôi cảm nhận rằng đã có chi tiết bị bỏ sót. Khi ấy, cậu ta đã định làm gì chăng? Liệu nó có chứa ẩn ý gì không? Chỉ lúc này, rất lâu từ sau vụ việc tôi mới đặt ra những câu hỏi này. Tấm gỗ khắc dối đó ẩn chứa điều gì? Chắc chắn phải là thứ khiến cho Oreki hành xử kì lạ như thế. Dù đã là rất lâu, nhưng tôi muốn tìm ra sự thật. [1] Sự khác biệt giữa “Chạm khắc” và “Điêu khắc” được định nghĩa như sau: nếu phần khắc ăn sâu vào trong bề mặt vật khắc hơn 4.2 cm thì được gọi là chạm khắc, sâu hơn thì là điêu khắc. [2] Ở trường học Nhật Bản, cấp lớp sẽ được gọi là “Năm” và số thứ tự sẽ là tên lớp. Như vậy “Năm ba, lớp 5 sơ trung” tương ứng với lớp 9/5. (Sơ trung là cấp 2, bao gồm ba năm học ứng với lớp 7,8,9 ở Việt Nam)
|