abstract
| - “NHƯNG!” Chitanda, người nãy giờ đã một tấc không di trong lúc tôi đang nói đột nhiên đứng phắt dậy. Nhỏ bắt đầu nói liên hồi, cứ như lá bùa im lặng đã bị phá vỡ chỉ bằng một từ “nhưng”. “Nhưng, nhưng, nhưng điều đó là không thể! Không thực! Không có lý! Thất bại cả rồi! Thật là thảm họa!” Chứng kiến sự mãnh liệt kinh hoàng của Chitanda và nhận ra nhỏ sắp sửa lao ra khỏi ghế mà bóp cổ tôi đến nơi, tôi giật ghế lại để thoái lui. Dừng nhỏ lại bằng một cử chỉ, trong đầu tôi bất chợt nghĩ về một dũng sĩ đang thuần phục một chú bò mộng. “B-bình tĩnh nào Chitanda. À phải rồi! Đây chỉ là trò chơi đúng không? Cậu nổi nóng như vậy cũng đâu có được gì?” “Nhưng điều đó là không thể!” Hửm. Nhỏ dùng từ “không thể” thay vì “không tin được” à? Nheo mắt lại, tôi nhìn Chitanda. “Theo cậu tại sao là không thể?” Chitanda, bấy giờ đang chống cả hai tay lên bàn mà rướn sát mặt tôi, trở về vị trí ban đầu và tằng hắng một chút như cảm thấy xấu hổ vì hành động vừa rồi. Nhỏ cố gắng biểu cảm bình thường mà nói: “Tờ tiền giả được sử dụng có mệnh giá mười ngàn yên, và cậu kết luận rằng X đã dùng một tờ mười ngàn yên dựa trên tin tức sáng nay đúng không?” Tôi gật đầu. “Nhưng đâu có cách nào mà X, một học sinh trung học, tại có trong tay một tờ tiền như vậy? Và dù có đi nữa người ấy cũng có quyền đổi lại mà!” “Là sao?” Quả thực là tôi đang bị chậm. Tôi thậm chí còn không hiểu tại sao lại hỏi Chitanda câu đó nữa. Dù có tỏ ra chút bực bội nhỏ vẫn trả lời: “Làm thế nào mà X, một học sinh trung học không bán buôn một thứ gì lại có thể giữ một tờ tiền giả?” Tôi trả lời mà không nghĩ nhiều. “Từ máy ATM chăng?” “Không dễ để tiền giả có thể qua mặt được máy ATM hay ngân hàng đâu! Và nếu chất lượng nó tốt đến thế thì X đâu cần phải lo sợ?” “Có thể X được thối lại thì sao?” Nói xong tôi liền ngậm miệng để nuốt lại sự ngốc nghếch của mình. Ơn trời Ibara không ở đây, ai biết được nhỏ sẽ chì chiết tôi cỡ nào. Vì Chitanda khác xa Ibara nên nhỏ chỉ nhìn tôi với một nụ cười thay vì sỉ vả. “Đúng đấy. Có lẽ cậu đã nhận ra rồi. Một tờ tiền mười ngàn yên không thể được dùng để thối lại. Ngoài tiền đồng ra thì mười ngàn yên là mệnh giá lớn nhất của một tờ tiền Nhật Bản.” Cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao lại hỏi Chitanda câu đó. Làm cách nào X có được tờ tiền giả đó để mà xài? Tiền được gọi là giả khi nó được làm bởi một nguồn không chính thống, và khi được sử dụng trong việc mua bán thì nó không thể được dùng để thối lại cho khách, và dù nó có được lưu chuyển giữa các cửa hàng với nhau thì cuối cùng cũng phải tới ngân hàng, nơi thời gian sống của nó sẽ kết thúc. Tôi bèn gật gù. “Ừm, tớ hiểu ý cậu. Dù ba của X là nhân vật quyền thế, nhận được tờ tiền giả và vô tình cho X làm tiền túi thì…” Tỏ ra mãn nguyện, Chitanda gật đầu. “Thì X sẽ nói ngay với ba mình. Như nãy tớ đã nói nếu được nhận theo kiểu này X hoàn toàn có quyền đổi lại.” Cao trung Kamiyama cấm học sinh làm thêm, nhưng dù X có lén làm thì cũng chẳng có gì thay đổi. Nếu X nhận tiền lương bằng chuyển khoản thì không có khả năng “được” nhận tiền giả, còn nếu nhận trực tiếp thì X sẽ có quyền đòi đổi, đó là xét trường hợp tên sếp ấy không làm ăn phi pháp. Cũng như trường hợp cả Ban Quản Giáo ngã bệnh vì ngộ độc thực phẩm tôi sẽ không quan tâm tới khả năng ông chủ hay ba của X độc ác tới mức không cho đổi, đơn giản vì nó quá phi lý. Rồi, vậy thì… “Lỡ là lượm được thì sao?” “Lượm được? Ý cậu là tiền bị rớt trên đường à?” “Kẻ làm tiền giả có thể muốn phi tang chứng cứ, đại loại vậy.” Đó cũng là một cái đoán mò, nhưng dĩ nhiên tôi cũng không để tâm lắm. Như dự kiến Chitanda lắc đầu. “Khó mà vậy lắm.” Vừa định hỏi tại sao thì chợt tôi nhận ra một chi tiết lạ. Giả sử X đi học cả hai ngày thì thời điểm hắn gửi lá thư tới Koubundou là từ sau giờ học hôm qua tới trước giờ học hôm nay, còn không thì khoảng thời gian sẽ kéo dài đến trước khi lời thông báo được đưa ra. Trong cả hai trường hợp thời gian đều khá ngắn. X thực sự thấy tội lỗi vì sử dụng tiền giả, nếu không hắn đã chẳng gửi thư xin lỗi sớm đến vậy. Khó mà tưởng tượng ra một người dùng tờ tiền giả mới lượm được với một cặp vợ chồng lớn tuổi trong một cửa tiệm nhỏ chỉ để mua một món dụng cụ học tập. “Ưm, cách để nhận được tờ tiền à… Nếu không tìm ra thì những giả thuyết tụi mình xây dựng từ nãy giờ chẳng khác nào một lâu đài cát.” “Nè, nãy nói thế nào mà giờ cậu cũng dùng thành ngữ kìa.” Đùa là thế nhưng tôi phải biết ơn sự tập trung của Chitanda. Chỉ là những chi tiết nhỏ thôi, nhưng như người ta nói một lỗ nhỏ nhấn chìm con tàu lớn. X sở hữu tờ tiền giả như thế nào, và tại sao phải dùng nó? Tôi lẩm bẩm. “Mười ngàn yên à.” Đó không phải một số tiền quá lớn để phải mơ tới, nhưng cũng đủ làm người ta tiếc nuối nếu để mất. Đó là một số tiền mà người ta phải miễn cưỡng lắm mới từ bỏ… Hiểu rồi. Tôi khoanh tay lại. “Chitanda, cậu thích tiền chứ?” Hơi bất ngờ với câu hỏi nhưng Chitanda vẫn trả lời. “Có, tớ nghĩ vậy. Tớ sẽ nói là tớ thích nhiều hơn là ghét nó.” “Vậy cậu có buồn khi phải vứt một tờ mười ngàn yên đi không?” “Tớ sẽ buồn.” Xem chừng là vấn đề quan trọng, Chitanda kéo ghế sát về phía tôi mà th6m vào đầy khoan thai. “Nhưng chỉ khi nó không từ một nguồn bất chính thôi.” Chitanda xứng danh một tiểu thư nhà gia giáo. Người ta giết nhau cũng vì những cái đó, dù có là Nhật Bản đi nữa. Tôi hiểu những gì nhỏ nói. Nếu tờ mười ngàn đó danh chính ngôn thuận là của mình sẽ không đời nào tôi muốn mất nó. Lỡ mà đánh rơi tôi sẽ xới từng hạt cát của thành phố lên để tìm. Nhưng nếu nó là “đồ giả”, hay nói cách khác là tiền nhặt được, trộm được, hoặc thắng khi đánh bạc có lẽ tôi sẽ chỉ coi nó là phù du… Người xưa cũng nói mà, dễ đến thì dễ đi. Đó có thể cũng là lý do X dù cảm thấy tội lỗi nhưng vẫn sử dụng tiền giả. Hắn không muốn phí phạm tiền của chính mình. Trong trường hợp đó tờ mười ngàn yên không đến từ một nguyên nhân bất hợp pháp. X không phải kẻ làm tiền giả, đồng thời cũng không phải tòng phạm. Vậy thì… “Theo tớ, X nhận được tờ tiền từ ai đó.” Chitanda, người đang dán chặt mắt xuống quyển vở, ngước lên. “Và nhận với tư cách là tiền hợp pháp. Nếu không phải lương bổng hay trợ cấp thì chỉ còn một khả năng duy nhất… đó là tiền trả lại cho những khoản nợ tích lũy trước đó. Tớ chắc rằng X cảm thấy khó chịu khi nhận ra tiền mình nhận được là giả. Có lẽ hắn đã nghĩ kiểu: ‘Đây là tiền của mình mà? Sao lại thành ra thế này?’ Thế nên cũng có thể hiểu tại sao hắn lại cảm thấy tội lỗi vô cùng khi muốn dùng nó sớm ở cửa hàng cặp vợ chồng lớn tuổi kia.” Kết lời, tôi thấy Chitanda đặt nắm tay mình sát môi tỏ ra trầm tư. Đặt tay xuống nhỏ gật đầu mọt cái, nhưng lại mau chóng lắc đầu khi vừa nghĩ ra điều gì đó. Nhưng thế cũng đâu có gì khác? X vẫn có thể xin đổi lại tờ tiền giả.” Tôi bình thản đáp lại: “Thật không? Tờ tiền giả chẳng khác nào một con Joker trong trò Old Maid. Không ai muốn giữ nó cả. Trong hoàn cảnh đó tớ nghĩ một tình huống như vầy sẽ xảy ra: - A, X đấy à? Đây là tiền anh mượn chú hôm nọ. - Chào Y-sempai. Cám ơn anh ạ. Mấy ngày nữa anh trả cũng đâu có sao. - Tổng cộng mười ngàn yên đúng không? Đây. - Cám ơn anh. Nhưng trước sự bất ngờ của X, tờ tiền đó hóa ra là giả.” Chitanda không có bất kì phản ứng trước màn độc diễn của tôi. Cảm thấy ngượng, tôi đành tiếp luôn. “Y, người được X cho mượn tiền, là một người có vị thế trong xã hội cao hơn X. Đó là lý do X không dám từ chối khi Y trả lại một tờ tiền giả. Có thể X đã nhận ra ngay khi nhận được nhưng Y có thể giả lơ như mình không biết gì. Thế là X dính chặt với tờ tiền giả trong bất lực.” Bắt chân vào nhau. Tôi lại nói: “Vẫn còn đó câu hỏi X là một hay một nhóm người, nhưng dựa trên tất cả thứ này tớ tin rằng X chỉ là một người. Sẽ rất kì lạ nếu hai hay ba tên học sinh Cao trung dùng chung một tờ mười ngàn yên mua những thứ bút viết rẻ tiền.” Chitanda vẫn im lặng, khiến tôi băn khoăn không biết nhỏ có đang nghe không. Vẫn còn một điểm cần được làm rõ. Nghĩ thế tôi nói: “Vậy còn Y… Y là chủ sở hữu trước đó của tờ tiền giả. Có thể người ấy cũng nhận từ một người Z nào đó có địa vị xã hội cao hơn, nhưng tới cỡ nào thì cũng quy về kẻ làm tiền giả, một cửa hàng hay ngân hàng nào mà thôi. Chúng ta có thể nhóm tất cả những người trên Y chung với Y và đặt ra câu hỏi : Y là ai? Một chủ tiệm lừa đảo hay chính là băng làm tiền giả? Đầu mối duy nhất để dò ra đường dây dẫn đến kẻ chủ mưu chính là người học sinh đã sử dụng tiền giả, đó là lý do tại sao cảnh sát cố gắng liên lạc với X như vậy.” Tôi thở một hơi rất dài và nhún vai. “Đó là tất cả những suy luận của tớ.” Chitanda vẫn dán chặt mình vào ghế một cách khó hiểu. Đôi bàn tay yên vị trên đùi, lưng ưỡn thẳng, còn gương mặt nhỏ thì chẳng biểu lộ cảm xúc nào. Hình như nhỏ còn đang sốc bởi kết luận vừa rồi, hoặc chỉ đơn giản là mệt với trò chơi này. Nhưng dù thế thì tôi cũng đã bỏ thời gian công sức để cử động cái miệng, chẳng lẽ không nhận được lời tán dương nào? Thật là keo kiệt. Để mặc Chitanda với bộ mặt rầu rĩ, tôi hướng mắt về cửa sổ để trông ra thành phố Kamiyama, bấy giờ đương nhuộm màu thu. Nhà ga Kamiyama, cửa tiệm Koubundou, tất cả đều ở hướng đó phải không? Lời thì thầm của Chitanda tới tai khi tôi đứng ngây ra đó. “Bất kì ai, vào ngày ba mươi mốt tháng Mười mua đồ ở Koubundou trước nhà ga và biết điều gì, gặp thầy Shibazaki ở phòng giáo viên ngay lập tức” Rồi nhó tiếp tục với chất giọng bình thản khi tôi quay lại. “Tụi mình đã đi một đường dài từ đây nhỉ.” “Ờ…” Tôi cười rồi vươn vai. “Vậy là trò chơi kết thúc.” Chitanda nheo mày lại ở từ “trò chơi”. Sự tập trung trở lại trên đôi mắt, nhỏ nghiêng đầu hỏi: “Oreki-san.” “Sao vậy? Đây chỉ là trò chơi, cậu không phải xem trọng nó quá.” “Không, không phải thế. Nhưng nếu là một trò chơi thì… tớ có cảm giác là cậu đã bắt đầu nó để chứng minh điều gì thì phải… là cái gì vậy?” À. Nhắc mới nhớ, đúng là tôi có muốn thế thật. Tôi cũng nghiêng đầu, chắc là cùng góc với Chitanda. Sau giờ học, trong phòng Địa Chất, hai con người cùng nghiêng đầu. “Là cái gì nhỉ?” “Tớ cũng không nhớ.” “Cả cậu còn không nhớ thì làm sao tớ nhớ.” “…Vậy sao tụi mình không suy luận xem đó là cái gì?” Bờ môi Chitanda dịu lại, và trong khi vẫn còn nguyên sự nghiêm túc trong đôi mắt tôi có thể thấy nhỏ đang cười. Ôi, sao cũng được. Tôi cười một cái to nhất trong khả năng mà nói: “Thôi, cho tớ xin.” Sáng hôm sau. Lật sang trang ba của tờ báo, tôi liền bị một dòng tít đập vào mắt. “TRUY BẮT ĐƯỜNG DÂY SẢN XUẤT TIỀN GIẢ” Sau đó là lời đầu đề. “Một người đàn ông hai mươi ba tuổi đã bị bắt vì có dính líu đến những vụ việc liên quan đến tiền giả, Tổng cục Cảnh sát thành phố Kamiyama cho biết.” Tôi tin rằng trò chơi hôm qua đã bắt đầu bằng một câu châm ngôn nào đó. Dù cả hai đều quên sạch vì quá tập trung vào diễn biến nhưng giờ tôi đã nhớ ra… Chó ngáp phải ruồi, thật sao trời? Ờ, có lẽ thế. Mà… hóa ra để khớp kí ức với thực tế thôi người ta cũng đã cần nhiều hơn là may mắn rồi. Tôi nghĩ vậy.
|