abstract
| - Sau đó chúng tôi gọi con gái sư phụ tới Hội quán Shogi, và chị ấy xoay sở bắt ông mặc quần vào và đưa về bằng taxi. Chúng tôi ra ngoài tiễn họ. “Về rồi.” “…Ừ.” Chỉ còn lại sư tỉ và tôi nhìn theo chiếc taxi đi mất hút. Thấy tôi cuối cùng cũng được thư thả, các nhân viên Hiệp hội Shogi tới gần nhưng có vẻ không biết nói gì. “Kuzuryu tiên sinh, Sora tiên sinh, hai người đã vất vả rồi. Còn lại để chúng tôi lo…” “Không. Cứ để chúng tôi làm hết.” Sư tỉ thẳng thừng nói. Vẫn còn công việc lấm lem là dọn chỗ nước tiểu. “N-Nhưng mà… sao chúng tôi để hai người làm được.” “Đệ tử phải gánh chịu nỗi nhục của sư phụ.” “Nhưng mà…” Người nhân viên vẫn một mực phản đối, song vì có việc khác nên phải đi. Thế là sư tỉ và tôi nhận việc và quay vào trong tòa nhà. Giới shogi hôm nay cũng thật chộn rộn. Sư tỉ nhận một cây lau sàn và xô nước từ một nhân viên, rồi liền giao cho sư đệ của mình: tôi đây. “Tại sao chỉ mình đệ!?” “Phân chia công việc. Tôi sẽ đi xin lỗi những người bị làm phiền.” “Ồ? Thế thì việc quần chúng nên để người giữ danh hiệu—” “Tôi cũng có danh hiệu mà.” Sư tỉ đúng là có danh hiệu, những hai cái cơ. Khỉ gió…! Váy lất phất, sư tỉ quay lưng về phía tôi và nói: “Xin lỗi đã làm phiền mọi người qua đường. Nếu chịu thiệt hại gì xin liên hệ Trụ sở Hiệp hội Shogi Nhật Bản vùng Kansai—” Nói xong sư tỉ cúi đầu, những người qua đường bắt đầu xì xào: “Ế? Chị là… ‘Bạch Tuyết vùng Naniwa’ phải không ạ!?” “…” “Em từng thấy chị trên TV! Cho em xin chữ ký!!” Đám đông lập tức xúm lấy sư tỉ. Nổi tiếng ghê ta. “Kya—! Đẹp quá đi—!” “Nàng Bạch Tuyết trắng thật đấy!” Các cô gái cũng có vẻ mê mẩn sư tỉ. Này, mọi người. Long Vương đứng ngay đây này! Tôi tháo kính ra nhưng vẫn chẳng có ai nhận ra tôi. ‘Bạch Tuyết Naniwa’ là biệt danh của sư tỉ. Nó bắt nguồn từ một tạp chí shogi, nhưng biệt danh ấy trở nên phổ biến rộng rãi sau một chương trình TV về sư tỉ. Tôi là kì thủ lên chuyên nghiệp từ trung học cơ sở và là Long Vương trẻ nhất trong lịch sử nhưng lúc nào cũng bị sư tỉ ép vế. Chết tiệt! Tiện đây nói luôn, sư tỉ chẳng ưa gì cái biệt danh ấy. Đang học cấp hai, tỉ từng nói “không cần” cái biệt danh ‘Bạch Tuyết vùng Naniwa” mặc dù tại Osaka nó nổi bật hơn nhiều so với “Rocky vùng Naniwa” và “Mozart vùng Naniwa”. Tỉ ghét cay ghét đắng cái biệt danh đó, nhưng có quyền ghét đã là vinh dự hơn khối người rồi. Nó là minh chứng cho danh tiếng và năng lực của sư tỉ trong giới shogi. Chỉ những kì thủ nổi tiếng nhất mới có biệt danh riêng. Những cái tên như ‘Người đàn ông có thể đọc một trăm triệu lẻ ba nước đi trong một giây’, ‘Edison mở màn’, ‘Phù thủy chung cuộc’, ‘Người nắm giữ thanh xuân’, ‘Yamato Nadeshiko tiến công’, ‘Sư thầy bắt đôi’, ‘Định Tích Truyền Đạo Sư’ và ‘Tiều phu Daigorou’, vân vân… phải nói là ngầu dễ sợ. ‘Tiều phu Daigorou’ nghe chẳng ăn nhập gì với shogi nhưng fan gạo cội lại thích thế. “Haa… Phiền quá đi mất.” Đợt ký tặng bất ngờ kết thúc, sư tỉ mở dù ra và thở dài. “Giữ danh hiệu phiền nhất là đi đâu cũng gặp chuyện phiền phức như thế…” “Công chúa mà cũng thấy phiền à.” “Tôi đập chết cậu bây giờ.” Tiện đây xin nói, danh hiệu của sư tỉ đều là của các giải đấu dành riêng cho nữ giới. Tổng cộng có sáu cái. Sư tỉ giữ ‘Nữ Vương’ và ‘Nữ Vương Tọa’. Biệt danh là công chúa nhưng danh hiệu lại là nữ hoàng (lol). Với năng lực của sư tỉ thì chiếm hết tất cả danh hiệu không phải chuyện khó, nhưng theo luật thì sư tỉ không thể làm thế được. Chuyện đó để sau tôi nói, cứ đợi nhé! “Yaichi, đừng có đứng ngây ra đó nữa. Làm cho xong đi.” “Nhưng mà sư phụ làm vương vãi khắp nơi…” “Kì thủ shogi động tay chứ không động miệng.” Rồi rồi. Tôi cần mẫn đưa cây lau nhà qua lại. “Cái lão sư phụ tè bậy đó thật là…! Làm sao mà ổng tiểu đến tận đây chứ?! Ổng xì ra mấy chục lít dữ vậy?!” “Cũng phải thôi. Khi thi đấu ai cũng uống nhiều nước mà.” Người ta thường nói cơ thể thèm đường khi tinh thần tập trung cao độ, nhưng kì thủ shogi thường cần một cái khác hơn. Nước. Một số kì thủ mang tận 5 chai 2 lít đi thi đấu và uống nguyên một cốc giữa mỗi nước đi, nên cần phải đi tiểu thường xuyên. Chiến đấu với cơn buồn tiểu là việc rất hệ trọng đối với kì thủ shogi, và thậm chí còn có người thua do hết thời gian vì cứ liên tục chạy ra nhà cầu. Mà nói chuyện tiểu tiện thế là đủ rồi. “Nghe nói trong cờ vây có giờ nghỉ để đi vệ sinh. Giá mà giới shogi cũng tiến bộ như thế.” “Yếu ớt…” “Hả? Tỉ bảo đệ yếu ớt á? Thế chứ khi không nhịn được thì tỉ làm sao?” “Thì cứ thả thôi.” “…?” “Thà tè bậy còn hơn là chịu thua cuộc chứ?” Nghiêm túc hả? “Shogi là trận chiến sống còn. Là giết chóc lẫn nhau. Mà giết chóc lẫn nhau thì ai lại ngại chút nước tiểu chứ.” “Tỉ giống y chang sư phụ.” “Tôi đập chết cậu bây giờ.” Tuy không muốn nhưng tôi vẫn phải thán phục. Sư tỉ cứ như lãnh chúa thời Sengoku vậy, hèn gì tỉ dễ dàng thống trị giới shogi nữ. Lúc sư tỉ cho tôi về thì trời đã tối, mặt trời đã lặn, màu hoàng hôn nhuộm lấy mặt đất. Tôi cuối cùng đã xử lý xong bãi nước tiểu, lòng không hề buồn bã gì. “Yaichi.” Tôi vừa định đi trả cây lau nhà và cái xô thì sư tỉ ngăn tôi lại—hai tay ôm lấy cổ tôi. “Phần thưởng… cho cậu này.” “Ế!? P-Phần thưởng, từ sư tỉ á… là, là gì—” “Này.” Sư tỉ vắt một thứ gì đó cứng và xơ lên hai vai tôi. Đó là quần của sư phụ. “Đệ cần quái gì cái này chứ!! Cầm về làm gì!?” “Để ngửi?” “Tại sao chứ!! Chỉ có phường bệnh hoạn mới đem quần sư phụ về nhà ngửi!!” “Để làm kỉ niệm được mà.” “Kỉ niệm? Kỉ niệm gì?! Sư tỉ muốn đệ gặp ác mộng mỗi lần nhìn thấy cái quần này à!?” “Đầu gối.” Nghe vậy, tôi sững sờ và mở quần sư phụ ra. Đầu gối phải bị nhàu, nhưng đầu gối trái vẫn ngay ngắn như thường. “Kì thủ shogi không phải cứ nghĩ ra nước nào là đi nước đấy, mà cưỡng lại bằng cách bấu mạnh quần. Vì thế mà ống quần phải của người thuận tay phải lúc nào cũng bị nhàu, tương tự với người thuận tay trái ở ống quần kia... phải không?” Nghe vậy tôi nhìn xuống đầu gối mình. Giống như quần sư phụ, chỉ một bên quần có nhiều nếp nhàu. Trực giác của kì thủ shogi đúng 70%, và nước đi đầu tiên nảy lên trong đầu thường là nước tốt nhất. Nhưng 30% còn lại có thể sẽ chuyển thắng thành bại. Đặc biệt là khi tự nhủ “Nước này quá hay!” và không suy nghĩ sâu hơn mà cứ tiến công, thế là biến nước đi tuyệt diệu ấy thành tệ hại. Kì thủ shogi thỉnh thoảng lại thua đau kiểu đó. Thế nên chúng tôi nhẫn nhịn. Chúng tôi cưỡng lại ham muốn đi cờ ngay bằng cách bíu quần và đọc bàn cờ. Những nếp nhàu ấy chứng tỏ rằng sư phụ đã không hề nhẹ tay với tôi. Chúng là bằng chứng không thể chối cãi rằng ông đã chơi nghiêm túc với đồ đệ của mình. “…Tụi mình toàn bắt chước sư phụ làm nhàu quần.” “…Cũng đúng.” “Tụi mình hâm mộ sư phụ quá nên toàn vò quần ngay cả khi không đánh cờ, để có mấy vết nhàu giống như sư phụ.” “Thế là tụi mình bị mắng vì phá hỏng quần.” Nhớ lại hồi nhỏ đã làm đủ trò để bắt chước dân chuyên nghiệp, chúng tôi gượng cười. Sư tỉ che mặt bằng cây dù và nói: “…Sư phụ đánh cờ với cậu hẳn là vui lắm đó, Yaichi. Chắc sư phụ đã chuẩn bị lâu rồi… để đánh cờ nghiêm túc giống như một ván đấu chính thức, và chuẩn bị tinh thần nữa. Sư phụ hẳn đã chơi hết mình với cậu. Nên—” “…Ừ. Đệ biết mà.” Tôi gật đầu và nắm chặt quần sư phụ. Nhìn những vết nhàu tôi hiểu ngay: sư phụ đã cảm thấy như thế nào trong ván đấu giữa hai chúng tôi, và cảm tưởng của sư phụ về ván đấu đó. Hôm nay, nước thánh đã tưới lên thánh địa shogi. Đó cũng có thể là nước mắt thiết tha của sư phụ…
|