abstract
| - Việc mặc tranh phục cho tôi diễn ra với một tốc độ điên cuồng. Ngoài sân đã ngập màu vàng của những tia nắng đầu xuân. Còn trong đây tôi bị cởi áo thun, áo khoác, nói chung tất tần tật. Bên ngoài đồ lót tôi bị bảo mặc một chiếc Haori và sau đó là một thứ trông có vẻ là Hakama. Bộ áo này có tay dài nhưng cổ tay thì lại quá rộng. Một phần ba da thịt của tôi đã phơi hết ra ngoài. “Không hẳn là hợp nhỉ.” Tôi nói với người đang giúp tôi mặc đồ. Lý do tôi đến đây là vì hợp với trang phục nhưng sự thật thì đâu có thế. Tuy vậy người ấy, trông diện mạo chưa đến hai mươi, cười mà đáp lại: “Nó là như vậy mà.” “Thật sao?” Chân tôi lạnh cóng, y như cái hồi đầu năm. Cứ như chỉ cần đặt “Chitanda” và “trang phục truyền thống” cạnh nhau thì y như rằng kết quả sẽ là “lạnh”. “Vậy là rất vừa rồi đó. Nếu tay áo dài hơn chút thì anh đã là người mặc.” Ông anh này quả là dài người hơn tôi nhiều. Tóc được nhuộm màu nâu sáng càng làm anh toát ra ấn tượng về một “ông anh trai ngỗ ngược”. Nếu có người trẻ ở đây thì tại sao Chitanda phải nhờ giúp nhỉ. Cám giác sắp phải khởi hành khiến tôi lo lắng mà làu bàu: “Nếu chỉ là cổ tay áo thì em nghĩ anh làm tốt hơn chứ?” Ông anh nhún vai trong khi đưa cho tôi một cặp Tabi màu đen. “Không nhiều lần được xem một cuộc diễu hành như vầy đâu, nên anh mới cố tình về thăm nhà đấy chứ. Nếu ở trong đoàn thì đâu có ngắm được gì.” Ừm, đúng là nhiều khả năng tất cả những gì tôi nhìn thấy là tấm lưng của Chitanda. Tôi không thực sự hạp với loại quần áo này, càng không với cái cảm giác phải mang Tabi bị người khác dùng rồi. Lần này thì phải chịu thôi. Ngần ngừ rồi tôi cũng đeo vào. Thế là áo đen, quần đen, vớ đen đều đã xong. Đúng như tôi nghĩ phần da lộ ra ngoài trông chẳng lễ độ chút nào khi mặc một bộ toàn đen như thế này. “Rồi, tiếp theo là cái này.” Anh đưa cho tôi một bộ áo ngoài màu trắng. “Khoác vào, rồi anh sẽ cột chặt phần eo cho chú.” Thế là một cái nút hình cánh bướm được thắt. Cổ áo này có thun nên chật hơn. Ống tay áo thì khá rộng để lộ phần áo màu đen bên dưới. Ở hai bên từ hông đến đầu gối bị xẻ ra và từ đó có thể thấy những nếp gấp từ bộ Hakama. Phần chính diện toàn hoàn phẳng lì và không có cổ, làm lộ phần cổ áo phía trong khiến bộ trang phục nhìn tổng thể là sự xen kẽ giữa hai màu đen và trắng. Hóa ra người như tôi khi diện vào cũng được cỡ này. Cứ như mình đã thành một phần của lễ hội rồi ấy. “Rồi, đội cái này lên đầu là xong.” Anh đưa cho tôi một cái nón đen nhìn như một cái ống bị ép chặt hai bên sườn. Giống như một loại nón Eboshi, tôi nghĩ vậy. Một cảm giác không ổn. Đến lúc này thì vẫn không sao, nhưng nếu đội cái này vào… Đã đội. Hình ảnh của tôi được phản chiếu trong gương. Anh chàng phụ mặc nhìn vào gương mà lẩm bẩm: “Đúng là không hợp thật.” Còn phải nói. Dù Oreki Houtarou có hợp với trang phục truyền thống hay không thi lễ hội vẫn phải bắt đầu. Dường như vấn đề liên quan đến lộ trình đã được giải quyết, nhưng thời gian khởi hành đã bị đình lại. Người ta nói rằng cuộc diễu hành sẽ bắt đầu trễ hơn dự định khoảng mười lăm phút. Tôi sẽ đi ra bằng cửa sau. Dường như cửa trước là dành cho Búp bê hoàng gia và họ sẽ xuất hiện ở tiền đền. Đó chưa phải lượt của tôi. Chỉ khi Búp bê xếp thành hàng thì tôi mới len vào, và đi đằng sau Chitanda. Ừm, đơn giản vậy thôi. Hoàn hảo. Với cảm giác không thật sự thoải mái khi mang Tabi của người lạ, tôi đi dọc theo hành lang mà hướng về cửa ra. Tại đó tôi đeo vào một đôi Zori. Đó sẽ là thứ bảo vệ đôi chân trong suốt một tiếng diễu hành, hay thậm chí là dài hơn vì lộ trình đã thay đổi. Tôi cứ thế tha thẩn ở khu vực gần cửa để quen chân. Không dễ chịu cho lắm, nhưng tôi sẽ chịu được thôi. Vừa ra khỏi đền tôi nhận ra một người đàn ông với chiếc áo Happi trông như muốn nổ tung tới nơi. Người đó, tôi nhớ được gọi là Sono, đang cầm một chiếc dù và rõ là đợi tôi. Trên dù đính những mảnh giấy màu đỏ hơi ngả tím và kích cỡ thì to hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Góc mở cũng rộng hơn so với dù phương Tây khiến chiếc ô trông như hình chữ T. Nhìn tôi có vẻ nản chí, ông Sono liền động viên. “Này, Lễ hội Búp bê chưa phải là dịp để người ta cảm thấy áp lực. Cháu đừng đặt nặng quá.” “Ý chú là còn những lễ hội khác?” “Ừ. Xuân mà, còn vài cái nữa.” Vậy thì chắc mệt lắm. Tôi nói trong lòng khi nhận lấy chiếc ô… Hóa ra chỉ được cái vẻ ngoài to kềnh thôi, chứ sức nặng thì không hơn dù thường là bao. Tôi sẽ được dùng hai tay nên cầm cái này trong một tiếng cũng không thành vấn đề. Phù! Hít thở sâu nào. “Cháu vẫn còn lo à?” Ông Sono hỏi. … Một chút ạ. Giờ là lúc các Búp bê bước ra ngoài. Đầu tiên là Vua. Anh ta cũng đội một chiếc nón Eboshi, nhưng khác kiểu của tôi, với một cái đuôi dài được đính ở phía sau. Toàn bộ trang phục đều màu đen ngoại trừ đôi tất trắng lúc ẩn lúc hiện. Điểm ấn tượng nhất, nếu nhìn kỹ, hóa ra lại nằm ngay trên bộ áo. Màu đen nhưng không phải hoàn toàn đen, trên đó có những họa tiết với những sắc thái đen khác nhau được khâu lên. Nhìn từ xa thì trông có vẻ chỉ là những đường sọc nhưng tôi đồ rằng phải là họa tiết tinh xảo nào đó. Nhân vật vua quả là rất hợp với một người thanh niên tuấn tú với gương mặt oai vệ. … Và ít nhất đó là những điều tôi đã nghĩ và đã bé cái lầm. Không thể tin được! Đó không phải là đàn ông mà hóa ra tất cả Búp bê đều là nữ! Tôi cũng đã nhận ra gương mặt đó. Đôi mắt sắc lảnh với khóe cằm nông và chỉ có mái tóc là vén lên hết thì đừng hòng qua mặt tôi. Đó là nữ sinh năm hai Cao trung Kamiyama – Irisu Fuyumi. Chúng tôi biết nhau từ Lễ hội văn hóa năm trước và có thể coi là “có qua có lại”. Tôi không biết nhiều về chị, nhưng ít nhất cũng biết gia đình chị không sống gần đây. Co khi nào cũng là “người chữa cháy” như tôi không nhỉ? Chị Irisu nhìn thẳng không chút ngượng ngùng và nhờ thế tôi không bị phát hiện. Tiếp theo là Hoàng hậu. Rất nhiều người đang đứng trước đền khiến tôi tự hỏi từ đâu mà ra. Có lẽ là du khách từ ngoại thành, và chả trách Chitanda đã bảo Lễ hội Búp bê ở đây “khá nổi tiếng”. Sự ồn ào bắt đầu gia tăng khi ai cũng giơ máy ảnh lên chụp. Nếu không có nắng thì tôi tin rằng mình sẽ thành cái nền không-mong-muốn bị ngập trong ánh sáng đèn flash. Vua thì mặc trang phục đen, vậy Hoàng hậu thì sao nhỉ? Chitanda bước ra với bộ Juunihitoe. Lớp ngoài cùng có màu cam, kế đến lần lượt là hồng đào, xanh lá lợt, những sắc thái vàng và thêm màu trắng. Có những họa tiết hình vòng trên bộ kimono, cùng một chiếc quạt ngũ sắc được đặt một cách hết sức thanh lịch trên bàn tay. Chitanda đang bước đi với gương mặt được trang điểm khá dày và đôi mắt nhìn xuống. Chỉ vài bước thôi tôi đã có thể cảm nhận sự tinh thông trong nghệ thuật đi đứng với trang phục truyền thống của nhỏ. “A!” Tâm trí tôi bất giác thốt lên. Không tốt! Xấu òm! Trời ơi! Lẽ ra mình không nên đến đây mới phải! Thế nghĩa là… nói cách khác… là sao? Rốt cuộc, nói cách khác… là sao? Oreki Houtarou vẫn luôn tự hào về khả năng Nhật ngữ của mình. Thêm nữa, dù không phải lúc nào cũng tuyệt đối hợp lý, nhưng tôi luôn tin rằng mình là loại lấy lý trí để suy nghĩ. Thế mà vào cái ngày đó. Trên nền đất của đền Mizunashi thành phố Kamiyama, mùa xuân, tầm mười một giờ bốn mươi lăm, vào cái khoảnh khắc tôi chứng kiến Chitanda bước đi trong bộ Juunihitoe… Tôi không có lời nào để giải thích vì sao mình chỉ nghĩ đến chữ “chết cha”. Thực ra là có nhiều lý do, nhưng chẳng cò cái nào đủ để giải bày. Việc không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh. Phương châm tiết kiệm năng lượng của tôi đang bị tàn phá trầm trọng. Không có một cách nào khác để giải thích tâm trạng này cả. …Tôi thấy mình chỉ cứ thế mà nghĩ: “Chết cha, không ổn chút nào!” Phía sau bộ kimono của Chitanda là chiếc tà rất dài và cần hai phụ nữ cũng mặc đồ truyền thống giữ cho không chạm xuống mặt đất. Mái tóc dài đến quá lưng được buộc thành búi bởi giấy nhũ vàng. Một người không biết Chitanda sẽ nghĩ rằng cô gái trong bộ Juunihitoe kia có mái tóc rất dài nhưng tôi biết rằng tóc nhỏ không tới thế. Chỉ là tóc giả thôi. Tiếp đến là Hữu đại thần và Tả đại thần cùng ba Nữ Tư tế. Tiếc là tôi không được nhìn họ. Công việc cầm ô cho Chitanda khiến tôi phải đi theo sau ngay lập tức mà hòa vào đoàn diễu hành hoan hỉ. Thứ tự lần lượt là chị Irisu, Chitanda, hai người cầm tà rồi tới tôi. Đi trên con đường hẹp, tôi cảm thấy chiếc tà áo thật là vướng víu… vì nó mà tôi không được nhìn rõ Chitanda. Ngoài du khách thì xem ra không ít ký giả cũng đến đây. Tôi nhận thấy những ống kính khổng lồ đặt trên giá ba chân mà thi nhau nhắm vào chúng tôi. Phía trước cũng có vài chiếc camera đang chờ đợi lấy hình. Âm thanh hoan hô hòa cùng những tràng vỗ tay. Tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ lo lắng lắm nếu bị lên TV, nhưng đến thời điểm này dù trước mặt thực tế là ống kính nỗi lo ấy lại không xảy ra. Tôi cảm thấy bình thường. Có lẽ vì mình chỉ là nhân vật phụ. Đoàn diểu hành đi lâu hơn tôi tưởng. Một tốp đàn ông trong đồng phục theo sau và thổi sáo. Tôi không nhìn được họ, nhưng với âm thanh “don”, “don” hòa vào tiếng sáo tôi đoán trong dàn nhạc cũng có người chơi trống Taiko. Xuôi về thượng nguồn, chúng tôi đang đi dọc theo bờ sông mà bên kia là con đường tôi đã đạp xe đến. Hồi sáng dù khoác thêm áo nhưng trời vẫn rất lạnh, nhưng giờ đã ấm hơn với những tia nắng dịu nhẹ. Một cơn gió thoáng qua bề mặt của con sông lúc này lại mang đến sự mát mẻ rất dễ chịu. Du khách xếp thành hai hàng trái phải trên con đường hẹp. Tôi chưa từng được thấy nhiều người như vậy trong đời… nhưng dĩ nhiên, họ kéo đến không phải để nhìn một thằng cầm ô phía sau Búp bê. Đưa mắt về lại phía trước, tôi nhận ra đoàn diểu hành đã đi qua cây cầu Choukyuu đang được xây sửa mà tiến về cầu Tooji từ lúc nào không hay. Nhanh chóng, lọt vào tầm mắt chỉ toàn là màu hồng khiến tôi phải ngước lên… Chitanda đang bước đi dưới một cây anh đào. Một cây hoa nở trái mùa và chỉ mới được phân nửa. Chitanda vẫn cứ thế trầm mặc trong bộ Juunihitoe. Ánh nắng vàng tươi, ngôi nhà lợp ngói cũ nhưng vô tình xây ở đó, những mảng tuyết còn vương lại trên đồng, con lạch óng ánh nước từ tuyết đã tan, tiếng róc rách của dòng chảy. Chẳng có thứ nào luc này không lung linh, ít nhất là với tôi. Thế nhưng, tất cả những gì tôi được thấy từ Chitanda, với mái tóc dài và chiếc tà được nâng lên, chỉ là lưng của nhỏ. Không nghĩ mình có thể hiếu kỳ được như Chitanda, nhưng lần này trong tôi như tự sự… Đây là cám giác Chitanda luôn có hay sao. Tôi muốn được nhìn nhỏ ngay lập tức. Thời điểm này, ngay tại đây, nếu như được nhìn nhỏ mặt-đối-mặt với đôi mắt đánh phấn và chỉ nhìn xuống, tôi sẽ ra sao… “Houtarou!” Giật mình, tôi quay về phía nguồn phát ra âm thanh và thấy Satoshi trong dòng người đứng xem. Tôi quay lại về trước mà tin rằng mặt mình đang thể hiện một sự tụt hứng chưa từng thấy.
|