abstract
| - Tiết năm ngày hôm nay là môn toán, dạy bởi thầy Omichi. Tôi tin rằng Oreki-san và Fukube-san biết thầy ấy là một nhà giáo như thế nào. Cũng không rõ là bắt đầu từ đâu để các bạn hiểu, thế nên giải thích từ đầu vẫn là tốt nhất. Thầy Omichi tới lớp ngay khi tiếng chuông báo hiệu tiết năm vang lên. Trông thầy không vui, nhưng ít nhất theo những gì tôi biết thì thầy luôn mang vẻ mặt đó trong chín trên mười trường hợp. Mở cửa, và ngay trước khi bước vào phòng thầy dừng lại một lúc để nhìn bảng tên lớp. Mọi chuyện cho tới lúc này vẫn bình thường. Sau một cái cúi đầu vội vã, thầy liền viết lên bảng một phương trình bậc hai. Đó là một phương trình khá đơn giản : y = x2 + x + 1, nhưng thầy lại giới hạn x trong khoảng từ 0 tới 3. Và rồi, trong khi vỗ vỗ cây tre lên vai thầy gọi Kawasaki-san và bảo cậu ấy vẽ tầm giá trị của y. Cậu có biết Kawasaki-san không? Cái cậu cao cao, hơi ốm và bị cái tật nói lắp ấy… nhưng điều đó không liên quan gì tới câu truyện cả. Kawasaki-san hiển nhiên trở nên lúng túng, tôi cũng vậy. Chúng tôi chưa được học điều gì về giới hạn các miền cả. Tôi đã nghĩ rằng thầy Omichi đang thử khả năng tưởng tượng của chúng tôi, như kiểu có biết về giới hạn miền trước khi học thầy không. Thú thực là tôi không phải tài năng gì, chỉ là đã may mắn được trải nghiệm cách dạy này từ trước. Điều bất ngờ là thầy Omichi lại chọn cách này… nhưng hóa ra chẳng có gì bất ngờ cả, tôi đã lầm. Kawasaki-san suy nghĩ về câu hỏi trong một lúc lâu, rồi trả lời rằng mình không biết làm. Khoảnh khắc tiếp theo trái ngược hoàn toàn với dự kiến của tôi. Thầy Omichi trở nên giận dữ. “Sao? Không biết làm à? Vậy tiết trước anh để cái tai đi đâu vậy?” Thầy liên tục mắng nhiếc Kawasaki-san bằng những lời như thế… Tôi thật không muốn dùng từ này, nhưng lúc đó thầy chẳng khác nào đang hành hạ Kawasaki-san vậy. Sau một tràng những từ ngữ cay độc về việc tương lai của cậu ấy không được xán lạn, thầy Omichi mới cho Kawasaki-san ngồi. Người được chọn tiếp theo là Tamura-san, người học Toán tốt hơn Kawasaki-san. Cậu ấy đứng dậy nhưng cũng không đưa ra được câu trả lời. Thầy Omichi gọi cậu ấy là đồ ngu và nạt ngồi xuống, rồi nhìn quanh lớp mà quát : “Chẳng lẽ không ai giải được sao!?” Lẽ ra tôi nên chú ý sớm hơn, nhưng tại lúc này tôi mới nhận ra thầy Omichi đã lầm tiến độ học của lớp. Kiểm tra vở học, tôi phát hiện rằng lẽ ra chúng tôi chỉ mới được học về các phương pháp xác định phương trình bậc hai và hôm nay mới bắt đầu phần giới hạn miền. Thầy Omichi đã lệch với giáo trình không ít hơn một tiết. Dường như những bạn khác cũng nhận ra điều đó và kết quả là lớp trở nên ồn ào. Điều đó chỉ khiến thầy Omichi càng phát điên mà đập cây tre mấy phát vào tấm bảng. Thầy chỉ trích thái độ kém cỏi của chúng tôi trong việc học tập, học hỏi và tính lễ độ trong cuộc sống bằng chất giọng không thể khó chịu hơn được nữa. Thầy còn phát ngôn những lời cay nghiệt về con đường sau khi tốt nghiệp và tương lai của chúng tôi. Đúng, vậy đấy, mỗi lần dừng lại là thầy lại gõ vào tấm bảng… Tôi nghĩ rằng trong lớp có người vẽ được tầm giá trị của y. Tôi không đi học thêm, nhưng cũng biết rằng hầu hết các trường bổ túc đều dạy cho học sinh trước rất nhiều kiến thức so với trên trường. Tuy vậy những người biết câu trả lời chỉ giữ im lặng, không một ai giơ tay cả. Thầy Omichi bèn chỉ vào Tamura-san một lần nữa. Cậu ấy bị bắt đứng và không được ngồi cho tới khi giải được bài toán. Đó là lúc tôi đứng dậy. Tôi nói rằng có lẽ thầy đã lầm tiến độ học của lớp và yêu cầu thầy xem lại sổ giáo trình của mình. Ể? Cụ thể tôi đã nói gì à …Xin lỗi, nhưng đó là bí mật. Bất cứ thứ gì tôi nói trong lúc giận dữ đều không phải thứ tôi muốn nhớ lại. Đúng thế, đó là lúc tôi đã nổi giận.
|