abstract
| - “Này. Uống đi.” “Vâng! Cảm ơn sư phụ— ♡” Tôi mua một hộp nước cam ở máy bán nước trong đạo trường, Ai cảm ơn tôi rồi uống ừng ực bằng ống hút. Chơi shogi rất là khát nước. “Puha! …Sư phụ hôm nay có ván đấu đúng không ạ? Mấy giờ bắt đầu vậy?” “Mười giờ.” “Ế?! Thong thả thế có sao không ạ?!” “Thong thả á…? Mười lăm phút nữa mới bắt đầu mà.” Trước khi ván đấu bắt đầu chẳng có gì để làm cả, dù có đến sớm thì tôi cũng chỉ biết ngồi nhìn bàn cờ. Vả lại ván đấu hôm nay thuộc giải Đế Vị với thời gian đợi lên đến bốn tiếng. Ván đấu sẽ kéo dài đến tối muộn cơ. Chưa gì mà đã hùng quả quá thì xì hơi giữa chừng mất. “Nơi đấu nằm ở ngay tầng trên này. Đến sát giờ rồi vào cũng được.” “K-Không được đâu! Sư phụ phải đến sớm năm phút chứ!” Ai đẩy lưng tôi lên cầu thang. Đã bảo còn mười lăm phút nữa cơ mà. “À, em muốn xem thử phòng đấu ra sao không?” “Được ạ!?” “Đi với anh là được.” Về nguyên tắc thì các phòng đấu từ tầng bốn trở lên không mở cửa cho công chúng… Nhưng Hiệp Hội Shogi vùng Kansai có dịch vụ cho phép những người dùng đạo trường theo dõi các ván đấu chính thức, nên có đi tham quan cũng không sao. Và nếu đặt trước thì bạn còn có thể mướn phòng đấu (tất nhiên là có tính phí). “Đây là ‘bảng thi đấu’. Mấy tấm nam châm trên đó là tên của kì thủ nào, chơi ở phòng nào, vào ngày nào.” Tôi bắt đầu giải thích khi hai chúng tôi lên đến tầng năm. “Khi ván đấu kết thúc, người thua phải hạ tấm nam châm có tên mình xuống dưới một chút. Như thế mọi người biết được kết quả ván đấu ra sao.” “Hêê…” Ai thoáng trông có vẻ ngập ngừng, nhưng quả nhiên là rất có hứng thú. Đôi mắt Ai sáng hoắc lên. “Ván đấu hôm nay của sư phụ là ở… Ngự Thượng? Đ-Đọc thế nào ạ?” “Là Ngự Thượng Đoạn Gian.” “Đối thủ là… Kan, Kan… Chỗ này đọc sao ạ?” “Kannabe Ayumu Lục Đẳng. Kì thủ trẻ vùng Kanto đấy.” Tôi vừa sắp sửa tháo giày và dẫn Ai vào trong căn phòng, thì bỗng! “Fufufu… Đấy chỉ là cái tên giả ta dùng để đánh lừa thế gian. Chân danh của ta không phải vậy…!” “?! C-Cậu—” Quay người lại tôi trông thấy một người bận đồ trắng đang đứng ở đấy. Một tay cậu ta đưa lên đầy điệu bộ làm che khuất đi một nửa khuôn mặt quý phái, bảnh bao, con mắt phải mang kính áp tròng màu lộ ra từ kẽ hở giữa các ngón tay. Cậu ta xưng danh một cách trịnh trọng: “Ta là kì thủ shogi cũng như là hiệp sĩ! «Bạch Ngân Thánh Hiệp Sĩ»—God Cauldron Ayumu!” Đúng lúc đó, một nhân viên đi ngang qua và chào cậu ta. “A, chào buổi sáng, Kannabe tiên sinh.” “LÀ GOD CAULDRON*!!” [TL: Kannabe = 神鍋 = Vạc thần = God Cauldron.] God Cauldron Lục Đẳng (18) dứt khoát chỉ chịu cái tên đó thì phải. Anh nhân viên xem ra cũng quen rồi nên bơ luôn lời phản pháo của Ayumu. Muốn làm việc ở Hiệp Hội Shogi thì phải làm quen với những người lập dị như vậy. “Thật là… Dân Kansai đúng là không ra đâu vào đâu. Chẳng tinh tế một chút nào hết…” Vừa nói Ayumu vừa bước tới bảng thi đấu, rồi tự tiện thay tấm nam châm ‘Kannabe’ bằng ‘God Cauldron’. Mang theo đồ tự làm cơ à? Khéo tay gớm… Trông thấy Ngài Kanyumu, (riêng mình) Ai phấn khích tột độ. “Sư phụ! Ng-Người đó… mang áo choàng kìa!!” “…Ừ. Áo choàng đó.” “Lần đầu tiên em thấy đấy!” Anh cũng thế thôi. Ai đời lại mang áo choàng đi đánh shogi bao giờ… “Fuu... tiểu thơ! Cô hẳn phải có tài đánh cờ cao siêu mới nhận ra được áo choàng của ta. Ta cho phép tiểu thơ gia nhập đoàn kì thủ Kanto «Gate East Legion».” Ngài God Cauldron Ayumu đưa tay phải lên một cách lịch lãm làm tấm áo choàng màu trắng tinh bung rộng. Tướng mạo—quý phái làm sao! Giới shogi được chia thành vùng Kanto phía đông và vùng Kansai phía Tây nơi chúng tôi sinh sống. Hiệp Hội Shogi vùng Kanto nằm ở gần Harajaku—tuyến phố của những người trẻ tuổi, lượng kì thủ ở đó đông gấp ba lần Kansai. Những người giữ danh hiệu đa số thuộc vùng Kanto, thế nên các thủ pháp và chiến thuật điển hình chủ yếu cũng bắt nguồn từ đó. So với sự điệu đà, hoa lệ chốn Kanto, các kì thủ Kansai thích vượt ra ngoài khuôn mẫu và chiến đấu toàn lực nên thường bị chỉ trích là quê mùa. Họ xem chúng tôi như sơn tặc vậy. “Kì thủ Kanto chúng ta có lối chơi tinh vi và tươi mới! Nếu tiểu thơ đang tu nghiệp shogi, thì hãy theo học trường phái Kanto mà chúng ta dày công nghiên cứu và vun đắp!” “T-Tôi là đệ tử của Long Vương Kujuryu! Tôi không theo các người đâu!” Cô đệ tử ấy vẫn chưa nói được tên tôi cho đàng hoàng. “Fufufu… Hahahaha! Đêm nay Long Vương sẽ từ giã cõi trần! Tận hưởng chút thời gian làm đệ tử còn lại của ngươi đi!” “Anh dám—!?” Chỉ trong phút chốc đã tâm đầu ý hợp với một đứa bé 9 tuổi, God Cauldron tiên sinh có lẽ là ứng cử viên phù hợp nhất để truyền bá shogi cho thiếu nhi. Mà người bày lũ oắt cái tên Dragekin là cậu hả. Tôi giữ khoảng cách về cả vật lý lẫn tâm lý với bộ đôi đang bắt đầu đốp chát nhau, và hỏi: “Cơ mà, Ayumu. Cậu mua đâu ra tấm áo choàng đó vậy?” “Blue Mountain chứ đâu.” Gọi Aoyama như người thường giùm tôi. Có phải cà phê đâu*. Mà đúng là ở Tokyo cái gì cũng có… [T/N: Aoyama = Núi xanh = Blue Mountain. Có một loại cà phê tên là Blue Mountain.] “Có loại màu đen nữa đấy, thích thì ta mua cho một cái.” “Sư phụ! Có màu đen nữa kìa?” “Khỏi đi.” Thấy tôi trả lời rành mạch “No, thank you,” cậu ta rầu rĩ đáp: “Thế hả…” Ai cũng trông có vẻ ủ rũ. Em muốn anh mang áo choàng thật à… “Fuu… không sao cả.” Ngài Ayumu vẫy áo choàng một cách thừa thãi, xoay lưng lại và nói: “Ta đợi ngươi ở phòng ngai vàng!” “Là Ngự Thượng Đoạn Gian chứ.” Fuhahahaha… Khi tiếng cười giả tạo của cậu ta đã mất hút, Ai ngước lên nhìn tôi và nói: “Sư phụ! Cái người lập dị đó là bạn sư phụ ạ?!” “Bạn thì không hẳn… nhưng bọn anh quen biết cũng lâu rồi.” Giới shogi rất bé nhỏ. Những ai có chí hướng trở thành kì thủ chuyên nghiệp mà đụng độ nhau khi thi đấu hồi nhỏ, thì khi bắt đầu học tập nghiêm chỉnh sẽ thường xuyên gặp nhau thôi, dù là ở hội quán miền đông hay miền tây. Và khi lên chuyên nghiệp rồi thì cả đời họ sẽ đụng độ cứ một đối thủ đó. Đấy là số phận của kì thủ. “Về năm học chính khóa thì Ayumu hơn anh hai năm, nhưng bọn anh bắt đầu học lên chuyên nghiệp cùng một thời điểm nên cũng giống như bạn cùng khóa vậy.” “Em hiểu rồi! Là kì phùng địch thủ phải không?!” “Kì phùng địch thủ ấy à. Cậu ta mà nghĩ thế thì vinh dự cho anh rồi…” Tuy Ayumu ở Kanto còn tôi thì ở Kansai, nhưng đúng là từ nhỏ chúng tôi đã nhận thức được thực lực của nhau. Cậu ta còn huyên thuyên rằng bọn tôi là địch thủ trời định từ kiếp trước. Khi tôi đoạt danh hiệu Long Vương và vươn đến đỉnh cao thì cậu ta trở nên đối địch tôi còn hơn cả khi trước. Nhưng không phải vì một địch thủ đồng trang lứa đã vượt mặt cậu ta… Không, không phải thế. Đối với kẻ tự phong mình là hiệp sĩ thánh thiện như Ayumu, ‘Long Vương’ tượng trưng cho cái ác. Cậu ta xem tôi là Ma Vương tàn độc cần phải bị đánh bại. Nói tóm gọn thì— Long Vương = cái ác = tôi Hiệp Sĩ = thánh thiện = ta đây -> phải tiêu diệt hắn! ( ` •w• ’ ) Thế đấy. Hết nói luôn. “Cậu ta vốn là tay có sở thích quý tộc và khuynh hướng chuunibyou, nhưng sau khi lên chuyên nghiệp và tự kiếm ra tiền thì có vẻ cậu ta bệnh nặng hơn nữa.” “Thế nên ảnh mới mua tấm áo choàng đó ạ?” “Gần đây cậu ta toàn thắng nên có thừa tiền tiêu. Năm nay Ayumu cầm chắc giải thưởng dành cho người có nhiều trận thắng liên tiếp nhất và tỉ lệ thắng cao nhất rồi. Nếu cậu ta thắng ván đấu hôm nay nữa thì sẽ giành cơ hội tranh danh hiệu… Kẻ đang thua mười một trận liên tiếp như anh thì là kì phùng địch thủ gì chứ… Long Vương đến đây coi như tiêu…” “Không có chuyện đó đâu! Sư phụ mạnh nhất mà!!” —Mạnh nhất ấy à. Trong lòng kì thủ nào cũng tự cho mình là vậy. Nếu không nghĩ thế thì không thể đấu tranh trong giới shogi chuyên nghiệp. Nhưng sự tự tin đó của tôi đã lung lay bởi những ván thua liên tiếp và lời chê cười của cư dân mạng. Song khi được cô bé gọi tôi là ‘mạnh nhất’, một niềm tự tin lạ lùng dâng lên trong lòng tôi. Kì thủ là loại người khờ khạo như vậy đấy. “Sư phụ! Chúc sư phụ chiến thắng!!” “Haha… Anh sẽ cố.” Nghe thấy tiếng hô động viên của đệ tử (tạm thời), tôi gượng cười và xoay lưng về phía phòng đấu nơi Bạch Ngân Thánh Hiệp Sĩ đang chờ đợi.
|